Phải làm tốt công tác phòng ngừa!

Chỉ cần những người có trách nhiệm làm tròn chức trách, quyền hạn của mình trong phòng chống cháy nổ; mỗi người dân có ý thức tự bảo vệ bản thân, có kỹ năng thoát hiểm tốt thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại đau lòng.

Từ xa xưa, ông bà ta đã có câu "giặc phá không bằng nhà cháy", để nói lên sự nguy hiểm và hậu quả khủng khiếp của cháy.

Thấy được vấn đề, công tác PCCC luôn được đặt lên hàng đầu và hằng năm nhà nước cũng đã đầu tư rất lớn về vật chất cũng như tuyên truyền, vận động, nhắc nhở đến mọi ngành, mọi cấp và người dân.

Thế nhưng, cháy nổ vẫn liên tục xảy ra, vụ sau lớn hơn vụ trước về mức độ thiệt hại cả vật chất và con người, mà vụ cháy ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội với 56 người tử vong, hàng chục người khác bị thương, hết sức thương tâm, đau lòng.

Nơi xảy ra vụ cháy là chung cư mini có diện tích khoảng trên 200 m2 với khoảng 150 người dân sinh sống được xây kiểu nhà ống với 1 mặt tiền, 3 mặt là bức tường kín giáp nhà dân, chia làm gần 50 căn hộ cho thuê.

Khi phát hiện xảy ra cháy, người dân ở các tầng trên hoảng loạn, có người nhảy xuống, nhiều người chạy lên các tầng trên cao kêu cứu, có gia đình đã thả thang dây thoát hiểm được. Đám cháy diễn ra nhanh nên người dân xung quanh hoàn toàn bất lực, không thể giúp những người ở trên cao.

Nguyên nhân vụ cháy rồi đây được cơ quan chức năng điều tra làm rõ nhưng chắc chắn việc PCCC ở đây đã bộc lộ những yếu kém chết người. Được cấp phép 6 tầng, chủ đầu tư đã cho xây dựng công trình lên đến 9 tầng, với diện tích sàn khoảng trên 2.000 m2, làm thành chung cư mini.

Xây sai phép, quận có văn bản xử phạt, cưỡng chế từ năm 2015, vẫn không hề hấn gì. Hằng tháng, hằng quý đều có lực lượng chức năng đến kiểm tra nhưng cái sai lồ lộ về xây dựng, PCCC vẫn không được khắc phục.

Vậy cơ quan chức năng liên quan đã làm gì, kiểm tra ra sao, xử lý thế nào hay chỉ làm qua loa, đại khái, cưỡi ngựa xem hoa..., để rồi khi sự cố xảy ra, thiệt hại về con người là không gì có thể bù đắp nổi.

Thực tế công tác PCCC đã có những quy định pháp luật rất chi tiết, rõ ràng, vấn đề còn lại là con người thực hiện.

Chỉ cần những người có trách nhiệm làm tròn chức trách, quyền hạn của mình trong phòng chống cháy nổ, kiên quyết ngăn chặn, quyết liệt cưỡng chế ngay từ khi phát hiện có sai phạm; mỗi người dân có ý thức tự bảo vệ bản thân, có kỹ năng thoát hiểm tốt (ví dụ tham gia đầy đủ các buổi huấn luyện về PCCC, trang bị kiến thức căn bản về PCCC, trang bị dây thoát hiểm, mặt nạ dưỡng khí...) thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại đau lòng.

Nói tóm lại, để ngăn ngừa những vụ cháy làm thiệt hại về người và tài sản, không còn cách nào khác ngoài việc làm tốt công tác phòng ngừa.

Khâu cần chấn chỉnh trước tiên chính là kiện toàn bộ máy kiểm tra PCCC theo hướng gọn nhẹ, thực chất, hiệu quả, có thưởng phạt nghiêm minh, thậm chí xử lý hình sự với những ai cố tình vi phạm quy định PCCC dù chưa xảy ra hậu quả.

Lê Văn Cải

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/phai-lam-tot-cong-tac-phong-ngua-2023091722000665.htm