Phải loại bỏ kiểu kinh doanh 'chặt chém'

Sau dịch COVID-19, các cơ sở kinh doanh càng phải có hành xử đẹp để thu hút khách du dịch.

Trong tuần qua, thông tin về vụ việc chủ nhà hàng CG ở thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa ép khách trả tiền các món mà khách không gọi, dọa đánh khách, đòi tạt tô canh lên người nhóm du khách… đã khiến nhiều bạn đọc bất bình, bức xúc.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 11-2, UBND xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa xác nhận đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà NTH, chủ nhà hàng CG, ở thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, số tiền 750.000 đồng. Lý do bà H có hành vi không niêm yết công khai giá dịch vụ tại địa điểm kinh doanh dịch vụ.

Người ở nhà hàng CG đòi tạt tô canh vào nhóm du khách và thông tin về cách để du khách tránh bị “chặt chém” được bạn đọc quan tâm. Ảnh: TL

Người ở nhà hàng CG đòi tạt tô canh vào nhóm du khách và thông tin về cách để du khách tránh bị “chặt chém” được bạn đọc quan tâm. Ảnh: TL

Đừng tự cắt đường kinh doanh của mình

Bạn đọc Ngọc Hân bình luận: “Theo tôi, cùng với việc phạt thì địa phương nên làm một cái danh sách đen, đưa những hàng quán làm ăn chụp giật kiểu vậy để mọi người biết mà né. Làm ăn gian dối như thế này chắc chắn không ai vào. Mọi người nên hiểu rằng kinh doanh kiểu “chặt chém”, thiếu văn hóa như thế thì sẽ không tồn tại được lâu, tự mình cắt đường kinh doanh của mình”.

Bạn đọc Hải Hà chia sẻ: “Mùng 4 tết, tôi có nhịp đi ra Bắc thăm một người bạn. Vì là lần đầu tiên được ra Hà Nội nên tôi rất háo hức và tưởng tượng về một nếp sống cổ kính, thân thiện của người dân nơi đây. Thế nhưng, những hình ảnh đẹp về Hà Nội lại mất hẳn trong tôi bởi gặp cảnh “chặt chém” khách của một anh taxi. Cụ thể là từ khách sạn đến điểm hẹn bạn tôi, tôi tìm trên mạng thì chỉ cách vài km nhưng anh tài xế cứ chạy vòng vòng, cuối cùng tôi phải trả hơn 300.000 đồng tiền taxi”.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Lan kể: “Mùng 3 tết vừa ra, tôi với nhóm bạn rủ nhau đi du lịch bằng xe máy từ TP.HCM đến Cần Thơ chơi. Đến đường quốc lộ 1A đoạn thuộc tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi ghé vào quán ăn gần đó để nghỉ ngơi, ăn uống. Chúng tôi có bốn người kêu mỗi người một tô phở bò và một trái dừa. Phở thì cũng không có gì đặc biệt, chỉ vài miếng thịt lèo tèo và mấy cọng rau vậy mà lúc tính tiền thấy hết hồn. Tổng cộng bốn tô phở và bốn trái dừa mà chủ quán tính 620.000 đồng. Chúng tôi thắc mắc thì chủ quán có vẻ khó chịu và bảo ngày tết nên lên giá. Dù rất ức nhưng vì thấy chủ quán có vẻ hung hăng nên chúng tôi đành trả tiền rồi đi ngay. Đây là lần đầu cũng là lần cuối tôi đến quán ăn này”.

Phải hỏi giá trước khi vào quán

Làm thế nào để tránh bị “chặt chém” khi đi du lịch là câu hỏi được đặt ra của nhiều người. Dưới đây là những chia sẻ của một số bạn đọc để tránh không bị “chặt chém” giá.

Bạn đọc Thiên Hương chia sẻ: “Tôi thường không có thói quen hỏi giá cả trước khi ăn. Tuy nhiên, khi đi du lịch, tôi đều hỏi giá trước khi kêu món. Còn nếu bạn nào ngại hỏi giá thì nên chọn những quán có niêm yết giá”.

“Trước khi đi du lịch thì mình nên tìm hiểu trước và cần tìm số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan chức năng địa phương nơi đó để nhờ giải quyết nếu bị “chặt chém”” - bạn đọc Hải Âu nêu kinh nghiệm.

“Gặp những điểm có ý đồ “chặt chém” thì kiểu nào du khách cũng ít nhiều dính bẫy, không bị món chính cũng bị món phụ. Vì thế, chính quyền nơi nào làm căng thì các hàng ăn kiểu này đỡ lộng hành và là điểm cộng cho ngành du lịch nơi đó” - bạn đọc Mạnh Hùng bình luận.

Cũng bàn về vai trò của chính quyền địa phương, bạn đọc Khuê chia sẻ: “Cách đây năm năm, tôi đi du lịch từng bị hét giá khi mua đồ ở chợ âm phủ (Đà Lạt). Tết này, tôi đi du lịch đến nơi đó thì không còn cảnh hét giá nữa. Hỏi ra mới biết chính quyền địa phương đã từng xử lý kiên quyết với những điểm bán giá trên trời”. •

Cơ sở kinh doanh phải hành xử đẹp để thu hút khách du lịch

Dịp lễ, tết vừa qua, theo báo cáo từ một số tỉnh, thành trọng điểm du lịch trong cả nước đều đón lượng khách du lịch lớn đến địa phương mình.

Sau hai năm ngành du lịch bị “đóng băng” do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hiện nay địa phương nào có khách đến, chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch cần nhìn nhận là du khách đang góp phần khôi phục hoạt động du lịch, giúp người lao động có việc làm…

Hơn nữa, trong lúc các trung tâm du lịch trên cả nước đều cạnh tranh thu hút khách đến bằng việc chăm sóc du khách rất tốt thì hành xử vừa qua của chủ cơ sở dịch vụ tại Nha Trang là không nên, thiếu thiện cảm. Điều này vừa khiến cơ sở đó mất khách, thiệt hại không nhỏ cũng như làm xấu hình ảnh của điểm đến du lịch Nha Trang. Hiện nay, Sở Du lịch các tỉnh đều có cổng thông tin điện tử, du khách có thể chấm điểm các cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại địa phương. Qua đó, với cơ sở bị du khách cho điểm thấp, cơ quan nhà nước có thể chấn chỉnh kịp thời.

Ông PHAN ĐÌNH HUÊ, chuyên gia tư vấn du lịch đồng bằng sông Cửu Long

TÚ UYÊN ghi

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/phai-loai-bo-kieu-kinh-doanh-chat-chem-1042970.html