Phải mạnh dạn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng: 'Phải mạnh dạn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, chứ hiện nay chúng ta nói bảo vệ nhưng bảo vệ được bao nhiêu, bảo vệ được ai?'.
Tại TP.HCM, xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, cấp bách, Thành phố đã và đang có nhiều giải pháp để làm trong sạch Đảng, phát huy vai trò của người đảng viên trong xây dựng và phát triển Thành phố.
Phải mạnh dạn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM thẳng thắn nhận xét, tình trạng suy thoái hay "tự diễn biến, tự chuyển hóa" hiện nay của "một bộ phận không nhỏ" trong Đảng và nhà nước ta là đáng báo động, cần được chỉnh đốn khẩn cấp và triệt để, hạn chế những điều kiện dễ dãi cho tham ô, lãng phí. Theo ông Phạm Chánh Trực, tình trạng quản lý đất đai, tài sản của toàn dân, của nhà nước một cách lỏng lẻo xảy ra phổ biến như hiện nay tạo cơ hội cho đảng viên sai trái, tư nhân lợi dụng, hại cho dân và làm hư hỏng không ít cán bộ đảng viên. Do đó, công khai, minh bạch thu nhập của cán bộ đảng viên là yêu cầu bắt buộc và đòi hỏi sự tự giác.
Ông Phạm Chánh Trực nhấn mạnh: "Không nên làm kiểu “hên xui may rủi” như đã có nơi tổ chức rút thăm kê khai tài sản như vừa qua mà toàn thể cán bộ đảng viên phải tự giác kê tài sản một cách trung thực. Chính chỗ đó làm cho người ta hiểu kê khai tài sản chỉ là hành chính, máy móc chứ không hiểu ý nghĩa là đảng viên phải trong sạch, trung thực với Đảng như thế nào".
Ngoài ra, công tác kiểm tra đối với tổ chức Đảng và đảng viên cần được tiến hành nề nếp, thường xuyên, không nên để sai lầm khuyết điểm rồi mới phát hiện. Và biện pháp thường xuyên có ý nghĩa then chốt là người đứng đầu các cấp, các ngành phải nêu gương liêm chính để tạo ra một bước đột phá, lãnh đạo xây dựng "Chính quyền liêm chính", "Chính phủ kiến tạo", cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng và quản lý điều hành đất nước thành công. Khi người đứng đầu các cấp ủy Đảng gương mẫu, trong sạch thì cấp dưới và bộ máy nhà nước khó tham ô, nhũng nhiễu, cửa quyền, ức hiếp nhân dân.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết nội dung công tác xây dựng Đảng hiện đã được mở rộng, bao gồm 5 trụ cột cơ bản: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ. Theo bà Thảo, Thành phố đạt nhiều thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển KT - XH nhưng khó khăn thử thách vẫn còn rất nhiều. Năm 2023 có thể khó khăn thách thức còn nhiều hơn, Thành phố cần phải xử lý công việc nhanh hơn, mạnh hơn, xứng tầm với tiềm năng thế mạnh vốn có. Hiện việc tháo gỡ khó khăn, hạn chế còn chung chung, chưa cụ thể, tư tưởng lo ngại, không dám làm, làm sợ sai, vì nếu sai là sẽ bị xử lý theo dây chuyền, không rõ ai chịu trách nhiệm chính. Do đó có những cán bộ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật hơn là hội đồng xét xử”.
Do đó, bà Phạm Phương Thảo cho rằng TP.HCM cần mạnh dạn đề xuất các vấn đề thuộc về thẩm quyền Trung ương, cũng như mạnh mẽ xử lý các vấn đề trong tầm tay. Đặc biệt bà Thảo đề nghị cần làm rõ trách nhiệm trong đánh giá, xử lý cán bộ. Từng vụ việc cụ thể phải xác định rõ cá nhân nào chịu trách nhiệm, chứ không thể xử lý theo kiểu dây chuyền bởi “có vụ việc cấp trên chỉ đạo cấp dưới rồi cấp dưới cũng bị xử lý kỷ luật theo".
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng: "Phải mạnh dạn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, chứ hiện nay chúng ta nói bảo vệ nhưng bảo vệ được bao nhiêu, bảo vệ được ai? Để đội ngũ cán bộ nhìn vào đó, họ tự tin dám nghĩ dám làm, vì lợi ích chung. Tôi nghĩ cái này nói thì dễ nhưng trong thực tế tôi thấy có những vụ việc ta xử lý theo kiểu dây chuyền".
Tăng cường giám sát của nhân dân
Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc nhiều cán bộ, cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật, xử lý hình sự thời gian qua, ngoài lý do bản thân không tự tu dưỡng thì còn có nguyên nhân của việc buông lỏng quản lý, chưa có cơ chế phòng ngừa. Do đó, ông Huỳnh Đảm đề nghị cần nâng cao vai trò giám sát của người dân đối với cán bộ thông qua vai trò của MTTQ các cấp; nâng lên một bước là “giám sát và phải có đánh giá” chứ không chỉ tập hợp và kiến nghị. Cụ thể là phải nhận xét và lấy phiếu tín nhiệm.
Ông Huỳnh Đảm cho biết: "Ở TP.HCM xin thí điểm Nghị quyết 54, xin thí điểm bỏ HĐND cấp dưới thì bây giờ xin thí điểm cho Mặt trận giám sát, nâng lên một bước mới là lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh của chính quyền cùng cấp được hay không? Và qua đó làm nòng cốt để tổ chức cho nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên một cách đích thực".
Đảng bộ TP.HCM luôn nhận thức sâu sắc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vừa là nhiệm vụ thường xuyên, vừa là công tác trọng tâm cấp bách. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng tại TP đã được chú trọng, có những kết quả nổi bật; qua đó đã phát huy được tính năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Nên cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế yếu kém, thiếu sót, sai phạm trong quá trình xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đó là nhiều tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật, suy thoái tha hóa biến chất ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và tình cảm của nhân dân.
Theo ông Nên, ngoài các lý do là thiếu sót của bản thân, thiếu rèn luyện tu dưỡng, thiếu bản lĩnh trước những cám dỗ thì còn nguyên nhân là tổ chức Đảng còn chưa làm tốt công tác phòng ngừa, dự báo, dự tính để đưa các quyết sách để hạn chế đến mức thấp nhất sai phạm. Hơn ai hết, Đảng bộ TP.HCM, Thành ủy nhận thức sâu sắc công tác xây dựng Đảng là trọng tâm cấp bách, với quyết tâm chính trị cao, rút ra các bài học kinh nghiệm sâu sắc đã qua với tinh thần “nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp đúng” như lời Tổng Bí thư đã nói.
Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh đến việc mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo làm người và ý thức sâu sắc về nhân cách, về lẽ sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không quan liêu, xa dân. Tăng cường kiểm tra giám sát, uốn nắn, ngăn chặn, gắn với chương trình hành động cá nhân, tự phê và phê bình, đánh giá xác đáng, khen thưởng kịp thời, xử lý nghiêm minh.
Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "Hồi xưa khi vào Đảng tôi nghe là kế hoạch thì 1, biện pháp là 10, kiểm tra uốn nắn phải 20. Phải kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những sai phạm vướng mắc để trước khi có thể dẫn tới sai phạm lớn thì chúng ta ngăn chặn và sẽ bớt đi sai phạm nguy hiểm. Từng cá nhân phải khép mình vào tổ chức để chịu sự kiểm tra, giám sát, chứ tránh né, giấu giếm, không tự phê bình, đó là nguyên nhân dẫn đến những sai phạm lớn".
Công tác cán bộ luôn được xem là “then chốt của then chốt”. Do đó để cán bộ có thể an tâm công tác, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, cần phải cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị với các Luật có liên quan càng sớm càng tốt. Có như thế, người cán bộ mới an tâm công tác, cống hiến vì sự phát triển chung với một cái tâm trong sáng./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/phai-manh-dan-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-post1002793.vov