Phải nắm bắt được học sinh để có sự thay đổi linh hoạt
Năm nay suy nghĩ của các em thế này, nhưng sang năm mình vẫn áp dụng phương pháp cũ thì chưa chắc đã phù hợp bởi suy nghĩ của các lứa học sinh không giống nhau.
“Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phúc Thọ (Hà Nội), với số lượng học sinh hàng năm gần 1.500 em vừa học văn hóa song song với đào tạo nghề. Công tác ở đơn vị như vậy, tôi có những thuận lợi để đổi mới, phát triển chuyên môn mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lí và dạy học.
Có thể nói trung tâm này khác rất nhiều với một trường phổ thông công lập bình thường, bởi ngoài học văn hóa các em còn được học nghề, chính vì vậy với cương vị là lãnh đạo trung tâm, tôi thấy mình phải thật sự tâm huyết, dám làm và dám đổi mới, đặc biệt là phải có sự sáng tạo.
Hơn nữa, nếu sử dụng các biện pháp mới thế nào đi nữa thì vẫn phải dựa vào đối tượng học sinh, bởi năm nay suy nghĩ của các em thế này, nhưng nếu sang năm mình vẫn áp dụng phương pháp cũ thì chưa chắc đã phù hợp bởi suy nghĩ của các lứa học sinh không giống nhau, chính vì vậy phải có sự thay đổi linh hoạt cho phù hợp”.
Thạc sĩ Ngữ văn Phạm Thị Thu - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Cô Thu sinh năm 1981, là một trong các nhà giáo vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng danh hiệu "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ V năm học 2020 - 2021.
Chú trọng về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh
Theo cô Thu: “Đặc thù ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên là đầu vào của học sinh khá thấp, nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, vì thế tôi luôn trăn trở tìm ra các biện pháp để giúp học sinh học tốt hơn, kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cao hơn và khi ra trường các em có một tay nghề chất lượng cao để khởi nghiệp.
Tôi chủ động lập kế hoạch hoạt động chi tiết, từ việc tổ chức bộ máy phát triển đội ngũ, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giảng dạy và ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để góp phần phát triển môi trường giáo dục. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm cao so với ngành học, năm học 2018 đỗ tốt nghiệp 100%; Năm học 2019 là 95,54%; Năm học 2020 là 99,02%".
Ngoài vai trò quản lý, cô Thu còn là một giáo viên bộ môn Ngữ văn có tâm huyết, chuyên môn tốt, luôn đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều năm cô là Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn của Cụm 1- Giáo dục thường xuyên, phụ trách tốt hoạt động môn học trong Cụm.
"Trong giảng dạy, tôi thường xuyên áp dụng, đưa ra nhiều cách học mới giúp học sinh hiểu bài nhanh hơn. Ngoài ra, tôi chú trọng về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, còn về kiến thức, chúng tôi thường xuyên đánh giá và có những buổi bồi dưỡng riêng cho nhóm học sinh có học lực yếu. Nói là bồi dưỡng thêm kiến thức nhưng thực ra là vừa ôn tập, vừa động viên bởi khi học sinh đã có học lực yếu thì lại “ngại” học, mặc dù đây là những buổi ôn tập hoàn toàn miễn phí được các thầy cô trong trung tâm tự nguyện bồi dưỡng.
Vừa động viên, đồng thời thăm hỏi tâm tư, hoàn cảnh của từng em để nắm được suy nghĩ, nguyện vọng. Nhiều học sinh cho biết mình học yếu là do bản thân không học được, nhưng khi nghe các thầy cô động viên, tận tình chỉ bảo thì các em lại hứng thú, và hầu như đều đạt kết quả khá tốt sau một thời gian phấn đấu”, cô Thu chia sẻ.
Cô Thu cho biết: “Để giúp học sinh đam mê hơn trong học tập, tôi đã có khá nhiều sáng kiến, tiêu biểu nhất đó là: Khơi dậy hứng thú tạo động cơ học tập cho học sinh với môn Ngữ văn, sáng kiến này tôi đã áp dụng tại trung tâm từ năm 2016 cho đến nay và có kết quả rất tốt.
Đặc thù của học sinh tại trung tâm chưa được giỏi, với môn Văn lại khá dài khiến học sinh nhàm chán, ngại học. Chính vì vậy tôi áp dụng biện pháp sử dụng ngữ điệu, cử chỉ, điệu bộ trong các giờ lên lớp để thu hút lôi cuốn học sinh, khi thầy cô có những lời nói, ánh mắt, hành động, nụ cười thoải mái khiến cho các em cũng hòa theo làm cho không khí lớp học vui vẻ hơn, học sinh cũng thấy rất thoải mái và hứng thú trong việc tiếp thu kiến thức, nhờ vậy chất lượng học được nâng cao.
Mặt khác, tôi cũng đã xây dựng một hệ thống câu hỏi gợi mở. Có thể hiểu, khi giáo viên đưa ra một câu hỏi nhưng học sinh chưa trả lời được, thì với hệ thống câu hỏi này sẽ có nhiều câu gợi mở, tái hiện, kích thích, tưởng tượng,… ở nhiều cung bậc khác nhau từ khó đến dễ, từ đó giúp học sinh dễ dàng trả lời được những ý mà thầy cô đưa ra, tránh tình trạng chỉ một câu hỏi mà không có sự lựa chọn nào khác sẽ làm “khó” học sinh, dẫn đến các em nản. Nhưng nhờ có hệ thống câu hỏi gợi mở như vậy nên các em đều hiểu bài và trả lời được.
Ngoài ra tôi thường xuyên động viên, tìm hiểu đặc điểm của từng học sinh trong trung tâm, xem sở thích, mong muốn của các em là gì để từ đó thầy cô sẽ có những điều chỉnh hợp lí trong công tác giảng dạy kiến thức cũng như trong dạy nghề”.
Luôn đổi mới công tác dạy nghề
Cô Thu cho biết: “Về phần học nghề, học sinh được lựa chọn đăng kí học theo sở thích và học luôn tại trung tâm, hiện nay chúng tôi đang dạy các nghề như: Kế toán, Tin học, Kinh doanh dịch vụ, điện lạnh, cơ khí gò hàn,…Nhiều học sinh ra trường và với nghề được học đã tìm được việc làm với thu nhập rất cao, một số em mở cửa hàng cũng đã sống được bằng nghề.
Những năm gần đây, chúng tôi cũng chú trọng nâng cao chất lượng dạy nghề, liên kết với với một số trường trung cấp để có thêm nhiều nghề mới đáp ứng nhu cầu của học sinh cũng như xã hội. Khi tốt nghiệp ra trường, các em vừa có bằng văn hóa, đồng thời cũng có bằng nghề.
Về phát triển đội ngũ, trung tâm cũng thường xuyên khuyến khích các thầy cô đi dự các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hàng năm chúng tôi mời các chuyên gia đến bồi dưỡng ngay tại trung tâm cho các thầy cô.
Tuy nhiên, hiện nay trung tâm cũng khá khó khăn bởi thiếu giáo viên môn Lý, Hóa, Lịch sử, Sinh học và để khắc phục tình trạng này, trung tâm đã mời thêm nhiều giáo viên hợp đồng thỉnh giảng để ổn định chất lượng đào tạo và đảm bảo quyền lợi của học sinh”.
Cô Thu chia sẻ thêm: “Trong đơn vị, tôi xác định mình phải là người khơi nguồn, truyền cảm hứng, là tấm gương cho đồng nghiệp, học sinh học tập. Phải luôn có tinh thần hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp cùng tiến bộ, chính vì vậy tôi thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với đội ngũ giáo viên bộ môn Ngữ văn. Chủ động vận dụng những sáng kiến kinh nghiệm vào thực tiễn quản lý, giảng dạy và giáo dục học sinh”.
Các danh hiệu và thành tích đã đạt được:
Nhiều năm liền, sáng kiến kinh nghiệm của cô Thu đạt giải cao, có 2 sáng kiến xếp loại A. 5 sáng kiến xếp loại B, 5 sáng kiến xếp loại C. Có những sáng kiến đổi mới, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý và giảng dạy tại đơn vị, được Hội đồng khoa học đánh giá cao, đồng nghiệp, học sinh đồng tình, được phổ biến rộng rãi trong ngành học.
Sáng kiến tập trung vào đổi mới phương pháp quản lí và dạy học. Chú ý đến xây dựng hệ thống câu hỏi, xây dựng tình huống học tập trung tâm và các biện pháp khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh.
- Giải Nhất Thành phố Hà Nội hội thi Giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn-Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông năm 2016.
- Được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018.
- 13 năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Cơ sở.
- 12 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải Thành phố.
- Năm 2021 được nhận Bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Với sự nỗ lực đó cô đã đạt giải cao trong thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố. Đặc biệt, cô tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, có 01 học sinh đạt giải Nhì và nhiều học sinh đạt giải Khuyến khích môn Ngữ văn cấp Thành phố.