Phải nghiêm ngặt chống lây nhiễm khi lấy mẫu xét nghiệm hàng loạt
Virus SARS-COV-2 chủ yếu lây qua giọt bắn và tiếp xúc nên thao tác lấy mẫu nếu không cẩn thận có thể giúp virus này phát tán trong không khí.
Chiều 4-7 trao đổi với PLO, PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, cho biết TP đang bước vào giai đoạn tăng cường xét nghiệm SARS-CoV-2 toàn dân.
Theo bà Anh Thư Virus SARS-COV-2 chủ yếu lây qua giọt bắn và tiếp xúc. Do vậy, thao tác lấy mẫu có thể giúp virus này phát tán trong không khí và tạo nguy cơ cho những người đến lấy mẫu, ngay cả khi đảm bảo khoảng cách 2 m.
“Chưa kể do áp lực số lượng lấy mẫu quá đông trong một thời gian ngắn nên nhân viên lấy mẫu không thể tuân thủ đúng việc thay găng, rửa tay giữa mỗi lần lầy mẫu. Điều này có thể làm lây nhiễm chéo qua đường tiếp xúc cho những người đến lấy mẫu...” – bà Anh Thư đặt vấn đề.
Theo bà Anh Thư, việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc phải tuân thủ đúng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản. Phải có lịch hẹn từng người, tránh tiếp xúc, tránh tập trung đông. Bên cạnh đó, nhân viên lấy mẫu phải tuân thủ đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bà Anh Thư còn cho biết một số quốc gia có điều kiện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra khuyến cáo nếu hệ thống xét nghiệm sàng lọc COVID-19 bị quá tải như sau:
Như PLO đã đưa tin, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh virus SARS-COV-2 trên địa bàn.
Mục đích là tăng cường khả năng phát hiện sớm ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, cũng như đẩy nhanh tiến độ hoạt động truy vết các ổ dịch COVID-19.
Theo dó, dự kiến thực hiện từ 150.000 đến 200.000 xét nghiệm mỗi ngày (trung bình 6.000-8.000 mẫu/ngày/quận, huyện; riêng TP Thủ Đức trung bình 18.000-24.000 mẫu/ngày).