Phải nghiêm trị lãng phí

Cùng với tham nhũng, lãng phí đã và có thể làm kiệt quệ sức lực, tiền của, tài nguyên, làm chậm tiến trình phát triển của đất nước trong thời điểm hiện tại và gây ra những bất ổn trong tương lai. Tác hại của lãng phí ai cũng biết, nhưng việc nói và làm từ trên xuống dưới còn thiếu những biện pháp, chế tài cụ thể để chống lãng phí một cách triệt để. Nên lãng phí vẫn nhởn nhơ tồn tại.

Lãng phí, dường như ngành nào, địa phương nào cũng có, từ lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế… đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Điển hình là các dự án thua lỗ nặng nề, kém hiệu quả được Chính phủ đưa vào danh sách nghiêm trọng gồm: Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Phú Thọ, Nhà máy đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc… Còn bao nhiêu việc lãng phí của công khác, lãng phí về nhân lực... không sao nói hết.

Mới đây thôi, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội cho thấy: Một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn sử dụng xe ôtô vượt định mức quy định, chưa hoàn thành việc xử lý, sắp xếp lại xe ôtô theo quy định. Xin nêu vài con số: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vượt 167 xe công (trong đó 69 xe đủ điều kiện thanh lý). Bộ Nội vụ có 4 đơn vị sử dụng vượt định mức 15 xe ôtô. Bộ Xây dựng có số xe ôtô dùng chung vượt định mức 26 xe…

Tình trạng này cũng tồn tại ở nhiều địa phương. Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh thừa 5 xe ôtô dùng chung. Tỉnh Quảng Bình thừa 174 xe ôtô dùng chung và 58 xe ôtô chuyên dùng; địa phương này đã báo cáo hình thức xử lý, tuy nhiên đến thời điểm kiểm toán, Bộ Tài chính chưa có văn bản trả lời. Tại TP Đà Nẵng, hầu hết các đơn vị cấp I đều dôi dư xe ôtô phục vụ công tác chung, số lượng xe thừa là 152 xe… Một cảm giác chung là quá lãng phí.

Hàng năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, từ Trung ương tới địa phương đều tổ chức rà soát rồi thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, định mức, mua sắm, sử dụng tài sản công… đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhưng kỳ lạ thay, việc cán bộ “nói một đằng, làm một nẻo”, kêu gọi người khác tiết kiệm trong khi bản thân xa hoa, lãng phí, chi dùng bằng tài sản, công quỹ Nhà nước, bằng tiền thuế của dân không phải là hiếm, chẳng những không làm gương được, mà còn làm mất uy tín của Đảng, mất niềm tin trong nhân dân.

Dù các cơ quan thông tấn, báo chí và công luận đã lên tiếng nhiều lần và Chính phủ cũng đã tỏ thái độ kiên quyết, nhưng lâu nay chuyện mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức, chuyện dùng xe công vô tội vạ ở ta đã thành "quốc nạn". Chính vì thế mà nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, đời sống thường ngày của phần đông công chức, viên chức, người lao động vẫn còn khó khăn, chật vật, nhưng ôtô vẫn đầy sân trụ sở.

Căn nguyên của vấn đề này rất dễ nhận thấy, khi mà không ít cán bộ, công chức luôn quan trọng hóa hình thức, cho dù đôi khi họ chỉ mang một chức vụ nhỏ trong bộ máy hành chính Nhà nước, nhưng khi đi đâu mà được đi bằng xe công “biển xanh” thì không những vừa “oai”, lại vừa “oách”... Giàu hay nghèo thì chẳng mấy ai biết đến, nhưng chắc chắn khi thấy có “xe biển xanh” đưa đón thì người ngoài sẽ nhìn họ bằng con mắt đầy ngưỡng mộ; ''hơn đời'', hơn được là ở chỗ đó.

Chính vì tâm lý này mà có những lãnh đạo tỉnh nghèo, tiêu chuẩn xe đã khá "xịn" nhưng vẫn muốn vươn tay lên những chiếc xe vượt tiêu chuẩn để "làm sang"? Ngồi trong cái xe sang trọng, đẹp đẽ mà không làm được điều gì đem lại lợi ích cho dân thì tự lương tâm cán bộ, công chức không biết có cảm thấy xấu hổ không?

Dân gian đã chế lời của bài hát "Hành quân xa" như sau:

Đời làm quan, đâu có gì gian khổ
Xe máy lạnh ta không đổ mồ hôi
Thắt ca vát, xỏ giầy đen, ta tiến bước.
Đời chúng ta, đâu có họp là ta cứ đi?...
Nghe buồn lắm, đau lắm, nhưng không cãi nổi.

Lãng phí đang gây thất thoát lớn nhưng chúng ta chỉ coi đó là lỗi, do vậy nếu có phát hiện ra thì cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, rút kinh nghiệm, nặng hơn là khiển trách, cảnh cáo. Điều này đã làm cho căn bệnh lãng phí ngày càng lan rộng và trầm trọng hơn. Xử lý khi để thất thoát, lãng phí như vậy liệu có phù hợp với thực trạng lãng phí đang diễn ra, phù hợp với những thiệt hại ngày càng lớn và ngày càng trầm trọng hay không?

Nếu chúng ta thực sự coi việc chống lãng phí cũng cấp bách như chống “giặc nội xâm” thì phải có những cải cách một cách tích cực như: Có cơ quan giám sát, phát hiện các biểu hiện, hành vi lãng phí và có các chế tài quy định cụ thể việc xử lý một cách nghiêm khắc người vi phạm, để những đồng tiền thuế của người dân và doanh nghiệp đóng góp được sử dụng hiệu quả cho công cuộc xây dựng vào triển đất nước.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/phai-nghiem-tri-lang-phi-i622098/