Phải thay dầu động cơ sau khi ô tô lội nước sâu?

Sau khi di chuyển qua vùng ngập nước sâu, chủ xe cần kiểm tra chất lượng dầu để có thể xác định có cần thay hay không, tránh gây lãng phí không cần thiết.

Nên thay khi chất lượng dầu bôi trơn kém

Sau khi di chuyển qua vùng nước ngập sâu nhiều chủ xe thường ngay lập tức thay dầu bôi trơn động cơ do nghĩ rằng nước mưa có thể lọt vào gây giảm chất lượng dầu.

Tuy nhiên trên thực tế việc này sẽ gây lãng phí, đặc biệt với những chiếc xe mới bảo dưỡng thay dầu định kỳ.

Theo anh Đức Dũng, chủ gara ô tô 879 trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội), sau khi đi qua vùng ngập nước sâu mà ô tô không bị chết máy thì chủ xe không cần vội vàng thay dầu bôi trơn động cơ, vì trong trường hợp này để nước lọt vào động cơ sẽ rất khó.

Dầu bị nhiễm nước sẽ có màu cà phê sữa đặc trưng. Ảnh minh họa.

Dầu bị nhiễm nước sẽ có màu cà phê sữa đặc trưng. Ảnh minh họa.

"Sau khi đi qua vùng ngập nước sâu chủ xe cần kiểm tra vị trí lọc gió động cơ. Nếu vị trí này khô ráo thì tỷ lệ nước lọt vào động cơ sẽ rất thấp. Tiếp theo đó chủ xe có thể tự kiểm tra chất lượng dầu thông qua que thăm. Nếu dầu vẫn có màu trong ổn định chứng tỏ chất lượng dầu vẫn tốt không cần thay.

Còn với trường hợp dầu xuất hiện màu cà phê sữa hoặc có dạng keo sệt bất thường thì ngay lập tức đưa xe tới trung tâm sửa chữa gần nhất để kiểm tra và thay thế", anh Dũng chia sẻ.

Anh Dũng cũng cho biết, ngoài dầu động cơ chủ xe cần lưu ý tới dầu hộp số. Do hộp số thường có lỗ thông hơi ngay trên mặt hộp số, điều này dễ khiến nước lọt vào hộp số nếu xe đi qua vùng ngập nước sâu.

Khi dầu hộp số nhiễm nước sẽ không gây ra hậu quả ngay lập tức. Tuy nhiên về lâu dài chất lượng dầu bôi trơn giảm khiến các chi tiết bị mài mòn, quá nhiệt và có thể gây hư hỏng hoàn toàn hộp số.

Những bộ phận khác cần kiểm tra

Các hệ thống thuộc phần gầm xe bao gồm: treo, phanh, lái cần được kiểm tra để đảm bảo không phát sinh hư hỏng sau khi đi qua vùng ngập nước sâu.

Sau khi xe lội nước má phanh có thể bị mất độ bám khi kẹp vào đĩa phanh. Do đó, khi thoát ra khỏi vùng ngập, tài xế nên tiếp tục di chuyển với tốc độ vừa phải, đồng thời nhấn nhẹ phanh để kiểm tra độ "ăn" của phanh. Đĩa phanh và má phanh sẽ tự động khô, phục hồi độ bám khi tài xế sử dụng, lúc này tài xế có thể yên tâm tiếp tục điều khiển.

Chủ xe cũng cần kiểm tra sơ bộ các hệ thống điện của xe bằng cách sử dụng tất cả các chức năng như đóng mở cửa kính, cửa sổ trời, đèn, điều hòa, ghế chỉnh điện...

Bên cạnh đó nước có thể thâm nhập vào hộp cầu chì của xe và gây hư hỏng đến hệ thống điện, do đó cần kiểm tra bộ phận này tiếp theo nếu các chức năng của xe có vấn đề.

Sau khi ô tô đi qua các vùng ngập nước sâu cần được kiểm tra tổng thể nhiều bộ phận. Ảnh minh họa.

Sau khi ô tô đi qua các vùng ngập nước sâu cần được kiểm tra tổng thể nhiều bộ phận. Ảnh minh họa.

Mặc dù hầu hết các xe đều được trang bị gioăng cao su ở cửa, ngăn không có nước thâm nhập vào nội thất khi trời mưa nhưng việc lội nước trong thời gian dài khi mực nước lên đến bệ cửa có thể khiến nước tràn vào xe. Lý do vì phần gioăng này được thiết kế cho mục đích chính là kháng thời tiết xấu. Ngoài ra nước có có thể thâm nhập từ dưới sàn xe.

Sau khi lái qua khỏi vùng ngập, tài xế có thể kiểm tra phần thảm nguyên bản của xe, nếu phần thảm này ẩm, không khô sau một ngày, rất có thể nước đã thâm nhập vào nội thất.

Chỗ để bánh dự phòng cũng là nơi nên kiểm tra vì khu vực này thường dễ bị bỏ qua, khiến nước đọng gây gỉ sét. Nếu có dấu hiệu vào nước, chủ xe nên thực hiện vệ sinh, mở hết cửa để thông thoáng và nên thay thế gioăng cao su cửa.

Mạnh Hưng

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/phai-thay-dau-dong-co-sau-khi-o-to-loi-nuoc-sau-192240918131604407.htm