'Phải vì nông dân mới thành công được!'
Tháng 7 - 2019, Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Thổ Bình là hợp tác xã duy nhất của tỉnh Tuyên Quang được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì có thành tích xuất sắc trong đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Người chèo lái con thuyền này, Giám đốc Hợp tác xã Vi Văn Quận khẳng định: Nếu không có nông dân, thì không có hợp tác xã của ngày hôm nay!
Vươn lên từ gian khó
Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Thổ Bình được sáp nhập từ 3 hợp tác xã: Khánh Tân, Vũ Yên, Thượng Dương từ giữa năm 1978. Chàng thanh niên người Tày Vi Văn Quận thời điểm đó đang tham gia chiến tranh biên giới. Năm 1986, xuất ngũ trở về địa phương, Quận theo học nghề kế toán và xin vào làm việc cho hợp tác xã. Lúc ấy hợp tác xã hoạt động giống như hầu hết các hợp tác xã khác trên địa bàn tỉnh, chỉ có nguồn thu từ thủy lợi phí, ngoài ra không có hoạt động gì khác. Ông Quận nhớ lại, ngày đó, các thành viên của hợp tác xã 6 tháng mới nhận được 2,5 tạ thóc, coi như tiền lương. Khó khăn, thiếu thốn đủ đường, nhưng vì là khó khăn chung, nên mọi người đều động viên nhau cố gắng khắc phục, vượt qua.
Giám đốc Hợp tác xã Nônglâm nghiệp Thổ Bình Vi Văn Quận (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra lạc giống vụ hè thu.
Sau một thời gian dài làm việc tại Hợp tác xã, năm 2012, ông Quận được bầu giữ chức Giám đốc Hợp tác xã. Thực hiện Luật Hợp tác xã, năm 2013 ông và các thành viên trong hợp tác xã gần như bắt tay làm lại từ đầu. Ông họp lại Ban quản trị, xây dựng lại toàn bộ kế hoạch kinh doanh, bắt đầu mở rộng ra nhiều lĩnh vực như cung ứng giống, vật tư nông, lâm nghiệp cho người nông dân; cung cấp nước sinh hoạt; quản lý, khai thác chợ nông thôn. Dịch vụ thủy lợi từ chỗ “sống thực vật” được hợp tác xã vực dậy trở thành một trong những dịch vụ lớn mạnh nhất, với 7 công trình cấp nước, từ Phai Kèn, Phai Nà Đông, Vàng Áng, Phai Piang, Nà Đỏ, Phai Đuông, đáp ứng tưới tiêu cho 230 ha đất sản xuất của nông dân toàn xã. Ông Quận chia sẻ, mỗi năm, riêng dịch vụ này đem lại cho hợp tác xã khoản thu trên dưới 200 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Thổ Bình Vi Văn Sự chia sẻ, từ một xã thuần nông, chỉ sản xuất 2 vụ lúa chính, nhờ nguồn nước được cung cấp đầy đủ mà Thổ Bình giờ là một trong những đầu tàu trong sản xuất vụ đông của Lâm Bình, hệ số sử dụng đất của người nông dân trong xã hiện đạt gần 3 lần.
Không để nông dân mình chịu thiệt
Thổ Bình là xã có diện tích trồng lạc lớn nhất huyện Lâm Bình, khoảng 230 ha. Đây cũng là một trong những xã hình thành được chuỗi liên kết trồng, tiêu thụ lạc bền chặt nhất tỉnh.
Giám đốc Hợp tác xã Vi Văn Quận chia sẻ, trong 2 năm liên tục 2016 - 2017, khi diện tích lạc bắt đầu được mở rộng, năng suất lạc tăng nhanh từ 2 tấn/ha lên 6 tấn/ha, người trồng lạc ở Thổ Bình rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa, mất giá. Lợi dụng từ chuyện đường giao thông đi lại khó khăn, đến chuyện sản lượng quá nhiều, tư thương ép giá bán từ 100 nghìn đồng/yến xuống còn 70 nghìn đồng/yến lạc tươi. Nhìn cảnh này, Giám đốc Vi Văn Quận bàn với các thành viên trong ban quản trị đứng ra thu mua lại toàn bộ lạc tươi cho người nông dân. Đồng thời, ông xuống Bắc Giang tìm nơi tiêu thụ sản phẩm. Sau chuyến đi này, sản phẩm lạc ở Thổ Bình được hợp tác xã thu mua với giá từ 100 – 110 nghìn đồng/yến. Cây lạc vì thế mà “hồi sinh” mạnh mẽ. Ông Quận bảo, mình cũng là nông dân, cũng phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vài tháng ròng mới thu được thành quả, mục tiêu của hợp tác xã lúc này là có thể không thu mua cho bà con với giá cao nhất, nhưng nhất quyết không để nông dân mình chịu thiệt.
Nhà xưởng sơ chế lạc của Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Thổ Bình được xây dựng từ nguồn vốn góp của các thành viên.
Ngay như vụ lạc xuân 2019, hợp tác xã thu mua hơn 700 tấn lạc tươi cho nông dân với giá 100 nghìn đồng/yến, trong khi tư thương chỉ thu mua với giá 90 nghìn đồng. Sau động thái này của hợp tác xã, tư thương cũng buộc phải nâng giá thu mua lên để cạnh tranh. Trưởng thôn Piat Ma Đức Ngoãn cười bảo: "Cả thôn giờ có 35 hộ trồng lạc, diện tích hơn 5 ha. Vụ thu hoạch nào tư thương cũng đến tận chân ruộng đặt mua nhưng bà con không bán ra ngoài đâu, để dành bán cho hợp tác xã. Hợp tác xã vì bà con nhiều rồi, bà con cũng phải vì hợp tác xã thì mới phát triển được".
Sau 2 năm đứng ra thu mua sản phẩm lạc cho nông dân, Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Thổ Bình quyết định mở rộng ra sản xuất và sơ chế lạc khô thương phẩm, nhưng cái khó là không có đủ vốn. Sau khi xoay xở nhiều nơi không được, ông Quận vận động các thành viên có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Nhưng… ông bảo: "Chuyện thực tế không đơn giản như thế. Ở huyện vùng cao Lâm Bình này, chuyện bỏ tiền riêng ra để lo việc chung là chuyện rất khó". Ông tiên phong góp vốn 200 triệu đồng trước để mọi người yên tâm. Ông Lý Quý Hưng, Phó Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, thấy ông Quận quyết tâm như vậy, mọi người cũng yên tâm hơn. Bản thân ông Hưng cũng góp 200 triệu đồng. 3 thành viên còn lại, người ít thì 75 triệu đồng, người nhiều hơn thì góp thêm 100, 150 triệu đồng để hợp tác xã có một nguồn quỹ ổn định lo việc lớn. Ở Lâm Bình đến thời điểm này, Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Thổ Bình cũng là hợp tác xã duy nhất có đóng góp vốn từ các thành viên để hoạt động.
Năm 2018, có đủ vốn, Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Thổ Bình xây dựng khu nhà xưởng và lắp đặt dây chuyền, máy móc sơ chế lạc, tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. Có hệ thống sơ chế, giờ sản phẩm lạc của Thổ Bình ngoài bán tươi, còn được hợp tác xã sấy khô rồi bán về các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Hợp tác xã cũng đứng ra cho người nông dân vay vốn trả chậm theo hình thức đầu tư giống, phân bón cho người trồng lạc, sau khi thu hoạch mới phải trả tiền vốn cho hợp tác xã. Ông Quận bảo, hầu như vụ lạc nào hợp tác xã cũng phải bỏ hơn 300 triệu đồng tiền vốn cho người dân. Ngoài vùng lạc Thổ Bình, ông Quận mở rộng ra cả các xã Bình An, Khuôn Hà, Thượng Lâm.
Sản phẩm dê núi Thổ Bình được Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Thổ Bình đứng ra liên kết theo chuỗi.Ảnh Lê Duy.
Sau chuỗi lạc thành công, Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Thổ Bình tiếp tục thực hiện chuỗi chăn nuôi dê núi. Ông Quận bảo, dê núi Thổ Bình được chăn thả hoàn toàn tự nhiên trên đỉnh núi Phia Khan đã nức tiếng với giới sành ăn lâu nay bởi chất lượng thịt thơm ngon. Nhưng lâu nay, người chăn nuôi ở đây chủ yếu tự tìm nguồn con giống, tự tìm đầu ra nên tương đối bấp bênh. Khi đứng ra thực hiện chuỗi liên kết, Hợp tác xã đứng ra cung ứng con giống và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ lâu nay… Số lượng đàn hơn 300 con giống cấp ban đầu, giờ đã tăng lên gấp đôi. Hiện nay, ngoài việc cung cấp thịt hơi cho các thị trường Hàm Yên, Ninh Bình, Hải Phòng, Hợp tác xã đang xây dựng lò mổ để cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đồng thời, đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục để xây dựng thương hiệu “Dê núi Thổ Bình”.
Khởi đầu từ một hợp tác xã “nhiều không”, giờ mỗi năm, Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Thổ Bình thu về trên dưới 3 tỷ đồng từ các hoạt động dịch vụ của mình. Con số này chưa lớn, nhưng như cách nói của Giám đốc Vi Văn Quận, quan trọng là được đồng hành cùng người nông dân, với những người làm nông nghiệp như ông, đã là một cuộc làm ăn có lãi.