Phải xây dựng được chính sách cụ thể để doanh nghiệp lớn có thể đạt đến vai trò 'quy tụ'

Đó là quan điểm của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, trong cuộc phỏng vấn với Báo Pháp luật Việt Nam xung quanh vấn đề chính sách nào để xây dựng được những doanh nghiệp dân tộc (DNDT).

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.

Cần chính sách tốt, thể chế tốt

Thưa ông, Đảng và Nhà nước hiện nay đang quyết tâm xây dựng được những DNDT lớn mạnh, làm lực lượng nòng cốt phát triển nền kinh tế. Ông đánh giá thế nào về tiềm lực xây dựng đội ngũ DNDT của Việt Nam?

- Có thể nói nội lực của kinh tế Việt Nam lớn lắm, nên việc đặt ra mục tiêu xây dựng những DNDT là đúng đắn và vô cùng cần thiết. Nhưng vấn đề quan trọng là làm sao Nhà nước có khuôn khổ chính sách tốt, có thể chế tốt để tận dụng được nội lực hay không.

Câu chuyện xây dựng DNDT không phải là xa xôi, lâu dài nữa mà trong thời gian trước mắt tôi thấy rất cần, nếu như chúng ta không làm được việc này, không liên kết được các DN Việt Nam để tạo ra được những sản phẩm thương hiệu mang tính quốc gia, để cạnh tranh được với quốc tế chúng ta sẽ khó lòng tồn tại.

Muốn vươn mình, cần có những sản phẩm thuần Việt

Việt Nam có thể xây dựng những DNDT bằng cách nào, thưa ông?

- Thực tế mà nói bây giờ chúng ta muốn vươn mình được thì chúng ta phải có những sản phẩm thuần Việt, tức là có sự phát triển của những DN đầu đàn, cả những DN nhà nước, DN tư nhân để họ tạo ra được những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia và có tầm ảnh hưởng quốc tế. Rồi những DN ấy có vai trò như là hạt nhân, kết nối các DN nhỏ và vừa, để từ đó chúng ta có cái gọi là chuỗi sản xuất thuần việt, chuỗi giá trị thuần việt và có được cái gọi là “nội lực của riêng mình”.

Vì như chúng ta thấy hiện nay, đến 70% hàng xuất khẩu là hàng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhưng FDI thì đa phần khai thác trong nhiều năm, đến khi thấy không còn hiệu quả nữa, có thể do lương cao, do máy móc cũ đi rồi, mức độ sản phẩm cạnh tranh không còn nữa họ bỏ đi. Lúc bấy giờ mình làm gì?

Đó chính là những trăn trở đòi hỏi chúng ta phải tạo ra cơ chế để những DN lớn của Việt Nam, là những hạt nhân hay những sếu đầu đàn có thể quy tụ được các DN nhỏ và vừa, tạo ra chuỗi sản xuất thuần việt, chuỗi giá trị thuần việt, có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia ảnh hưởng trên trường quốc tế được thì lúc đó chúng ta mới có thể vươn mình được.

Và trong quá trình ấy, Chính phủ phải là người tạo ra khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho DN lớn dần lên, để chúng ta có thể tạo dựng được những sản phẩm hàng hóa thuần Việt, những chuỗi liên kết của người Việt.

“Không thể chính sách chung chung mà yêu cầu doanh nghiệp lớn quy tụ được”

Vậy theo ông, cần có những cơ chế, chính sách như thế nào để thúc đẩy được đội ngũ DN vươn lên mạnh mẽ, sớm trở thành những DNDT?

- Chính sách rất quan trọng, mà thực tế thì Bộ Chính trị, Trung ương, Chính phủ cũng đã có các nghị quyết rồi, Chính phủ cũng đã có bàn bạc rồi. Ví dụ chúng ta đang hướng đến việc xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm thì rõ ràng bây giờ chúng ta phải chú trọng, phải cụ thể hóa hơn đi. Khi đó DN lớn, DN trọng điểm có cơ chế phát triển, từ đó họ kêu gọi những DN nhỏ và vừa hợp tác với mình. Từ đó họ sẽ xây dựng những ưu tiên cho DN nhỏ và vừa ra sao, như thế nào khi họ có cơ chế ưu đãi về vốn, tài sản, về cách thức để hoạt động. Cứ phải cụ thể chính sách thì các DN quy mô lớn, dẫn đầu mới có lực để quy tụ những DN nhỏ hơn. Không thể có những chính sách chung chung rồi yêu cầu DN lớn quy tụ được.

Hoặc ví như, những DN lớn muốn huy động vốn lớn, nhưng huy động trong nước thì khó mà huy động quốc tế thì Chính phủ không bảo lãnh. Nếu DN này đi một mình thì rõ ràng “cũng quá sức”. Do vậy, xây dựng chính sách là cả một vấn đề, phải làm sao để những chính sách phải được quy định cụ thể, rõ ràng. Những chính sách ưu tiên, ưu đãi đó phải thực tế và phù hợp với mong muốn của DN.

Từ họ làm được những sản phẩm mang tính tiêu biểu, rồi sau đó họ mới quy tụ được các DN, phân cấp DN này sản xuất bộ phận cụ thể nào, DN khác sản xuất tiếp cận chi tiết nào trong hàng hóa, sản phẩm mà DN lớn sản xuất ra; dần dần mới tạo ra được một cái gọi là chuỗi sản xuất hàng hóa nào đó thuần Việt, mới tạo ra chuỗi giá trị thuần Việt. Lúc đó chúng ta mới đứng được trên đôi chân của mình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Tú (thực hiện)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phai-xay-dung-duoc-chinh-sach-cu-the-de-doanh-nghiep-lon-co-the-dat-den-vai-tro-quy-tu-post536203.html