Phải xử nghiêm để răn đe

Gần đây, tình trạng xe tải chở vật liệu, phế thải che chắn không đúng quy định, làm rơi vãi ra đường gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường ngày càng khiến dư luận bức xúc. Đáng nói, quanh vấn đề này đang tồn tại một nghịch lý là chế tài áp dụng cho các hành vi vi phạm ngày càng nặng, nhưng vi phạm vẫn không giảm. Điều này cho thấy, vẫn còn kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, liên tục vi phạm.

Diễn biến nhức nhối

Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ với hàng loạt các công trường xây dựng được triển khai. Đáng nói, trong quá trình xây dựng, nhiều phương tiện đi ra từ các công trình này vì che chắn sơ sài đã “xả” ra không ít bụi đất, khiến môi trường ô nhiễm, đe dọa an toàn giao thông cho các phương tiện.

Nhiều phương tiện đi ra từ các công trình xây dựng thường che chắn sơ sài nên đã “xả” ra không ít bụi đất, khiến môi trường ô nhiễm, đe dọa an toàn giao thông cho các phương tiện. Ảnh: Đinh Luyện

Nhiều phương tiện đi ra từ các công trình xây dựng thường che chắn sơ sài nên đã “xả” ra không ít bụi đất, khiến môi trường ô nhiễm, đe dọa an toàn giao thông cho các phương tiện. Ảnh: Đinh Luyện

Theo ghi nhận thực tế, tình trạng vi phạm thường tập trung ở các trục giao thông nối thông Hà Nội với các địa phương ngoại thành. Trong đó, nhiều nhất là trên các tuyến đường như: Đại lộ Thăng Long, Âu Cơ - An Dương Vương, Nguyễn Khoái, Vành đai 3...

Tuyến Đại lộ Thăng Long là ví dụ. Tại đây, theo ghi nhận từ đầu năm đến nay, trên trục giao thông này lượng phế thải rơi vãi từ các phương tiện vận chuyển trên đường ước chừng đã hơn 1.000 tấn. Mới đây nhất, sáng ngày 30/4, tại đoạn Km19 thuộc địa bàn xã An Khánh (huyện Hoài Đức) theo hướng từ trung tâm thành phố về Hòa Lạc, xuất hiện số lượng lớn đất đá, phế thải, vật liệu xây dựng trên mặt đường gom, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn rất cao.

Trước đó, sáng 13/4, cũng trên tuyến đường này, tại đoạn đường đôi hướng từ Xuân Mai đi Sơn Tây đã xuất hiện nhiều đống đất, cát dài khoảng 30m, rộng 3m gây cản trở giao thông. Ngay sau khi phát hiện, các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đã phải xắn quần áo, múc từng xẻng đất thu dọn hiện trường, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Tương tự, trên trục đường Cienco qua địa bàn các xã Cự Khê, Tam Hưng, Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai)… có thể dễ dàng chứng kiến cảnh những vệt bùn đất trải dài, án ngữ trên mặt đường. Tại đây, ngoài phần lòng đường phủ đầy đất sỏi thì sát bên vệ đường, lượng bùn đất cũng ken đặc, dày từ 3 – 10cm.

Theo người dân địa phương, đã có không ít phương tiện giao thông trượt ngã vì bùn đất trên cung đường này. Qua ghi nhận, nhiều xe chở đất, đá, vật liệu đi ra từ công trường, do không đảm bảo khâu đoạn phụt rửa bằng nước, lại che chắn sơ sài nên đã cuốn theo nhiều bụi đất ra đường.

Còn tại địa bàn huyện Gia Lâm, theo ghi nhận trên tuyến đường như: Đê sông Đuống, Ngô Xuân Quảng, Cổ Bi, Cừ Keo, Hà Huy Tập... ngay giữa buổi trưa, không ít xe trọng tải lên tới 40, 50 tấn hoạt động tấp nập. Đáng nói, những phương tiện này do không che chắn kỹ lưỡng khi vận chuyển nên thường xuyên khiến các trục đường quanh khu vực chìm trong ô nhiễm.

Cần phải khẳng định, ngoài những hệ lụy ô nhiễm môi trường trên các trục giao thông, việc chở vật liệu xây dựng không che chắn còn trực tiếp tăng gánh nặng cho các đơn vị như Cảnh sát giao thông, Công ty Môi trường đô thị… gây ảnh hưởng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Cần mạnh tay chấn chỉnh

Theo ghi nhận từ phía các cơ quan ban ngành địa phương, nơi thường xuyên xuất hiện tình trạng “xả bẩn” ra môi trường, hiện công tác xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, đa phần các loại phương tiện chở đất đá, phế thải, vật liệu xây dựng… thường che chắn không cẩn thận và xuất hiện nhiều vào ban đêm, cộng với mặt đường nhiều đoạn xuống cấp mấp mô nên tình trạng xe tải tụt ben làm rơi vãi đá, cát ra đường cũng ngày một nhiều. Ngoài ra, nhiều đối tượng chuyên chở phế thải, vật liệu xây dựng từ các công trình xây dựng trong nội đô thành phố, các khu chung cư, khu đô thị cũng lợi dụng điều kiện thời tiết mưa gió để trút phế thải ra khu vực đường thưa vắng dân cư rồi sau đó bỏ đi…

Khách quan nhìn nhận, hành vi chuyên chở hàng hóa để rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường đã được quy định khá đầy đủ trong hệ thống pháp luật nước ta. Chẳng hạn, Điều 20, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng chỉ rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ; chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; lôi kéo bùn, đất, cát, nguyên liệu, vật liệu hoặc chất phế thải khác ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Tương tự, tại Khoản 2, Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng đề cập: Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông…

Với vấn đề liên quan, thời gian qua Hà Nội đã mạnh tay vào cuộc chấn chỉnh. Thống kê của thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng này đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 1.444 trường hợp, phạt tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Riêng tại địa bàn huyện Gia Lâm, thông tin bằng văn bản với Lao động Thủ đô, Thượng tá Hoàng Xuân Trường – Phó trưởng Công an huyện Gia Lâm cho biết, từ đầu năm 2019 đến ngày 31/03 huyện Gia Lâm đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 177 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông gây mất vệ sinh môi trường.

Phạt thành tiền 241.200.000 đồng. Trong đó, chở vật liệu xây dựng để rơi vãi, xử lý 79 trường hợp thu về 158.000.000 đồng. Tính từ 1/4 đến nay, Công an huyện đã phối hợp với đội Thanh tra giao thông kiểm tra, lập biên bản xử lý 94 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền 114.550.000 đồng .

Theo Thượng tá Hoàng Xuân Trường, để sớm khắc phục tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông, Công an Huyện Gia Lâm đã tiến hành biên soạn các bài tuyên truyền Luật giao thông đường bộ, Nghị định 46/NĐ CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan trên cả bề rộng và chiều sâu; chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, ban ngành đoàn thể, các cơ quan báo, đài đẩy mạnh tuyên truyền người dân biết và nghiêm túc chấp hành pháp luật giao thông…

Rõ ràng, áp dụng đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn tình trạng chở vật liệu xây dựng không che chắn, gây ô nhiễm môi trường như huyện Gia Lâm là ví dụ rất cụ thể, có thể nhân rộng ra nhiều địa phương. Đặc biệt, động thái xử lý tích cực của huyện Gia Lâm cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm.

Hành lang pháp lý để xử lý vấn đề đã có song để những quy định của pháp luật trong lĩnh vực này đi vào cuộc sống, không thể thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành như Công an, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường... Bên cạnh đó nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình thi công xây dựng. Nếu các đơn vị vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng cho công trình vi phạm, chủ đầu tư công trình cũng phải chịu trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật. Có như vậy, mới có thể góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm đang diễn ra trên địa bàn Thủ đô.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phai-xu-nghiem-de-ran-de-91864.html