Phạm Hoàng Giang khắc họa thành công 'Dấu son Hà Nội' tại TP HCM

Theo Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Giang, 'Dấu son Hà Nội' là dấu son của lịch sử, dấu son của hiện tại, dấu son của tương lai trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Tối 23/8, chương trình “Dấu son Hà Nội” diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP. HCM do đạo diễn Phạm Hoàng Giang làm tổng đạo diễn đã mang đến một bức tranh sống động về thủ đô qua các bộ phim phóng sự, phần trình diễn nghệ thuật, tái hiện những giá trị lịch sử, văn hóa của đô thị nghìn năm tuổi. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động “Những ngày Hà Nội tại TP.HCM” kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Giang đã rất thành công khi xây dựng lên một bản giao hưởng đầy cung bậc cảm xúc của sự tự hào - niềm tin, hy vọng và của tình yêu, khơi gợi những cảm xúc sâu lắng về Hà Nội. Những ca khúc được lựa chọn từ giai điệu truyền thống đến sáng tác hiện đại, mỗi bài hát đều là một mảnh ghép trong bức tranh đầy màu sắc về Thủ đô nghìn năm văn hiến, đồng thời thể hiện sự gắn kết giữa TP.HCM và Hà Nội. Những ca sĩ tham gia đều là những giọng ca đầy nội lực, mang màu sắc khác nhau nhưng có sự kết hợp ăn ý, tinh tế, lấy được cảm xúc của khán giả.

 Chương trình “Dấu son Hà Nội” diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP. HCM do đạo diễn Phạm Hoàng Giang làm tổng đạo diễn. Ảnh: BTC

Chương trình “Dấu son Hà Nội” diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP. HCM do đạo diễn Phạm Hoàng Giang làm tổng đạo diễn. Ảnh: BTC

 Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng. Ảnh: BTC

Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng. Ảnh: BTC

Chương trình mở màn bằng tiết mục được xây dựng rất công phu, hoành tráng “Vì một Việt Nam tươi sáng” với sự thể hiện của những giọng ca đẹp như Đào Tố Loan (Bài ca Hà Nội), Hồ Trung Dũng (Tự hào thành phố tôi yêu), Đông Hùng, Ngọc Anh (Thênh thang đường mới). Bản mashup đặc biệt với một mạch kể liên hoàn như những thước phim nối tiếp tái hiện chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc thể hiện sự tự hào và niềm kiêu hãnh của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung với Thủ đô.

Theo Tổng đạo diễn, “Dấu son Hà Nội” là dấu son của lịch sử, dấu son của hiện tại, dấu son của tương lai trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Tất cả đã tạo nên một thủ đô Hà Nội kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của cả dân tộc. Chính vì vậy, Phạm Hoàng Giang cùng ê-kíp đã xây dựng chương trình gồm ba phần: Khúc khải hoàn ca – Hương sắc Hà Thành – Dòng chảy thời đại.

Trong phần 1 “Khúc khải hoàn ca”, người xem chìm đắm trong những giai điệu đầy tự hào.

Tiếng hát từ thành phố mang tên người với sự thể hiện của Hồng Nhung - Đào Mác là sự kết hợp giữa giọng hát mềm mại, trong trẻo tinh tế, tròn trịa của diva với chất giọng dày trầm ầm.

 Ca sĩ Hồng Nhung biểu diễn trong chương trình. Ảnh: BTC

Ca sĩ Hồng Nhung biểu diễn trong chương trình. Ảnh: BTC

Màn song ca của Tùng Dương, Đào Tố Loan trong liên khúc Người Hà Nội - Tiến về Hà Nội thực sự là một tiết mục đỉnh cao, ấn tượng mạnh mẽ cả về nghe - nhìn. Đào Tố Loan khoe hết nốt cao đẹp với âm vực rộng trong khi Tùng Dương chinh phục khán giả bằng chất giọng trữ tình âm sắc dày, sâu trên nền hoạt cảnh tái hiện hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội qua cầu Long Biên trong sự đón chào náo nức của nhân dân. Với Cảm xúc tháng 10, Vũ Thắng Lợi và NSƯT Lê Thiện tái hiện xúc động câu chuyện bà mẹ Việt Nam và niềm hạnh phúc vỡ òa khi đón người con chiến sĩ trở về trong cờ hoa rực rỡ. Gửi nắng cho em - Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh (Hồ Trung Dũng, Đào Mác) hay Ca ngợi Hồ Chủ Tịch (Vũ Thắng Lợi) đều thành công khơi gợi những cảm xúc tự hào, hân hoan trong lòng người xem về một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước.

Phần 2 “Hương sắc Hà Thành” lại đầy mềm mại, tươi tắn với Xẩm Hà Nội (Quách Mai Thy - Nhà hát múa rối Thăng Long), Hà Nội linh thiêng hào hoa (Nguyễn Ngọc Anh - Đông Hùng), Nhớ mùa thu Hà Nội (Hồng Nhung) cho thấy một Hà Nội tuyệt đẹp với những khung cảnh nên thơ, pha trộn hiện đại và truyền thống.

Ở phần 3 “Dòng chảy thời đại” khán giả, du khách sẽ thấy được một tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hòa của dân tộc và tinh thần trẻ trung, hướng đến tương lai rực rỡ của đất nước trong thời đại mới thông qua các tiết mục Xin chào Hà Nội của tương lai, Hello Hồ Chí Minh city (nhóm MTV, Như Ý, Quách Mai Thy), Rực rỡ Việt Nam (Tùng Dương), liên khúc Hà Nội - Sài Gòn, Hồ Gương sáng sớm, Quê Hương Việt Nam (các nghệ sĩ). Thông qua các tiết mục, Phạm Hoàng Giang đã thành công thể hiện dụng ý về sự gắn kết giữa TP.HCM và Hà Nội, cho thấy sức mạnh nhân đôi của Thủ đô Hà Nội và TP.HCM mang lại nguồn sức mạnh nội sinh to lớn cho cả dân tộc Việt Nam.

 Phần biểu diễn của Tùng Dương. Ảnh: BTC

Phần biểu diễn của Tùng Dương. Ảnh: BTC

Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Giang và BTC chương trình. Ảnh: BTC

Tổng đạo diễn Phạm Hoàng Giang và BTC chương trình. Ảnh: BTC

Chương trình “Dấu son Hà Nội” là sự kết hợp giữa các phần trình diễn Dàn nhạc - Hợp xướng - ca, múa, hoạt cảnh, trình diễn áo dài, video clip gợi mở dưới góc độ nghệ thuật những giá trị lịch sử, văn hóa. Tổng đạo diễn cho biết, để khái quát về thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, một Hà Nội ngàn năm văn hiến, một Hà Nội của lịch sử và anh hùng, thành phố của hòa bình, một Hà Nội hào hoa, kết nối thời đại trong một chương trình hơn 90 phút là điều không đơn giản. Nó đòi hỏi sự đào sâu suy nghĩ, làm việc nghiêm túc của cả ê-kíp và hàng trăm nghệ sĩ, trên hết đó là từ tình yêu Hà Nội, từ niềm tự hào về một thủ đô ngàn năm văn hiến, xinh đẹp bất khuất kiên cường.

Lan Hà

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/giai-tri/pham-hoang-giang-khac-hoa-thanh-cong-dau-son-ha-noi-tai-tp-hcm-2024843.html