Phạm pháp vị thành niên vẫn phức tạp, pháp luật cần hoàn thiện ra sao?

Như VOV giao thông đã đề cập, tình trạng trẻ vị thành niên phạm pháp có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây với nhiều hành vi ngày càng phức tạp. Trong khi đó, quy định pháp luật về xử lý các trường hợp này còn nhiều bất cập và có không ít khoảng trống.

Vậy cần làm gì để hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về trẻ vị thành niên?

Chỉ trong 1 tháng cao điểm xử lý học sinh vi phạm luật giao thông từ 1 - 31/10, lực lượng chức năng đã xử lý khoảng 80.000 trường hợp vi phạm. Gần đây nhất là vụ đua xe trái phép đã đâm tử vong một phụ nữ ở Hà Nội khiến nhiều người dân bức xúc.

Để ngăn chặn hiện tượng trẻ dưới 18 tuổi có những hành vi phạm pháp, một số người dân cho biết:

"Đầu tiên, là bố mẹ phải là người giám sát, quản lý. Bố mẹ phải rèn từ ở nhà, dặn dò, cấm đoán từ bé, đến trường con mới nghe lời thầy cô".

"Những hành vi đua xe của các cháu là bột phát. Đừng cứng nhắc quá, các cháu còn cả một tương lai, làm sao vừa răn đe vừa giáo dục để các cháu hiểu biết pháp luật và có cơ hội sửa chữa sai lầm của mình".

Chỉ trong một tháng cao điểm xử lý học sinh vi phạm luật giao thông từ 1 - 31/10, lực lượng chức năng đã xử lý khoảng 80.000 trường hợp vi phạm

Chỉ trong một tháng cao điểm xử lý học sinh vi phạm luật giao thông từ 1 - 31/10, lực lượng chức năng đã xử lý khoảng 80.000 trường hợp vi phạm

Tại Dự thảo nghị định xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất tăng gấp 5 lần mức xử phạt đối với cha mẹ, người giám hộ giao xe cho con khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, lên mức 28-30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, cần nhân rộng kế hoạch tập trung xử lý vi phạm trong việc điều khiển phương tiện của các cháu học sinh tại nhiều địa phương trên toàn quốc để xử lý hành vi này, đồng thời thực thi nghiêm các quy định giao thông đường bộ mới:

"Vừa rồi vừa ban hành Luật đảm bảo TTATGT sắp có hiệu lực thi hành, trong các quy định này đã có những điều khoản, điều chỉnh đối với đối tượng vi phạm là thanh thiếu niên, cho nên vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta phải tập trung tổ chức thi hành tốt Luật này để mà kịp thời đưa Luật vào cuộc sống và như vậy sẽ giảm vi phạm của thanh thiếu niên hiện nay".

Tình hình trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) phạm pháp có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Theo báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội và bị hại trong các vụ án hình sự năm 2021 tại Việt Nam, cả nước có trên 5.000 trẻ phạm tội trong các vụ án hình sự. Trong đó, TP.HCM có 431 bị can, chiếm 8,52%, Hà Nội là 352 bị can, chiếm 6,96%, tiếp đó là các địa phương Thanh Hóa, Khánh Hòa, Gia Lai.

Xét về độ tuổi, có tới 94% trẻ ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi bị khởi tố bị can và gần 6% trẻ trong độ tuổi từ 14-16%. Trên 96% trẻ phạm tội là nam giới.

BS Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em bày tỏ lo ngại khi tình hình phạm pháp ở trẻ vị thành niên ngày càng tinh vi, có tổ chức. mức độ gây nguy hiểm cho xã hội ngày càng cao, nhưng nhiều trường hợp rất khó xử lý bằng chế tài hình sự do có những khoảng trống về quy định pháp luật:

"Hiện nay, Việt Nam chưa có một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Thứ 2, trong Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em dưới 16 tuổi trong khi Công ước quốc tế quy định Trẻ em dưới 18 tuổi và toàn cầu 193 quốc gia, chỉ có 2-3 nước quy định giống Việt Nam. Quy định độ tuổi như thế này sẽ rất khó triển khai hay thực hiện để răn đe hoặc ngăn chặn, cho nên đến bây giờ có rất nhiều người phạm tội là trẻ em và dưới 18 tuổi".

Hiện tại các quy định pháp luật khá đầy đủ với nhiều mức phạt đối với trẻ vị thành niên mắc các lỗi điều khiển khi chưa đủ tuổi và trách nhiệm của phụ huynh khi giao xe cho con em mình

Hiện tại các quy định pháp luật khá đầy đủ với nhiều mức phạt đối với trẻ vị thành niên mắc các lỗi điều khiển khi chưa đủ tuổi và trách nhiệm của phụ huynh khi giao xe cho con em mình

LS. Phạm Thành Tài, Giám đốc công ty Luật Phạm danh cho biết, Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tuổi chịu trách nhiệm hình sự của Việt Nam là từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng, điều này gây khó khăn trong quá trình thực thi:

"Trên thực tiễn, có rất nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng do người dưới 14 tuổi gây ra nhưng không thể xử lý bằng hình sự, nhiều vụ án do người dưới 18 tuổi phạm tội không thể đưa ra xét xử được vì các đối tượng này mới chỉ ở độ tuổi đủ 14 đến dưới 16 tuổi nhưng chỉ phạm các tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, dẫn đến họ phạm tội chỉ bị xử lý hành chính chứ không thể xử lý bằng hình sự được. Quy định này chưa phù hợp với thực tế tình hình vi phạm pháp luật và sẽ tạo ra kẽ hở cho các đối tượng phạm tội sử dụng người chưa thành niên vào việc thực hiện hành vi phạm tội".

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia, hiện tại các quy định pháp luật khá đầy đủ với nhiều mức phạt đối với trẻ vị thành niên mắc các lỗi điều khiển khi chưa đủ tuổi và trách nhiệm của phụ huynh khi giao xe cho con em mình.

Tuy nhiên, theo ông Nam, cần nhìn nhận ở góc độ tâm lý học phát triển, để có những giải pháp phù hợp: "Xét về mặt tâm lý, còn có sự hấp dẫn về hành vi bị cấm. Cái gì càng bị cấm người ta càng muốn vượt rào để chứng tỏ sự ngầu, sự ngang tàng. Đây là đặc điểm tâm lý của các bạn trẻ. Đây là lứa tuổi luôn muốn khám phá những giới hạn, luôn nghi ngờ những quy định mà bố mẹ, thầy cô đặt ra để chứng tỏ tôi có thể làm được hết, trải qua hết, không có gì quá quan trọng.

Tôi nghĩ, không phải cái gì cứ phạt nghiêm và nhiều tiền sẽ giảm được số vụ tai nạn, mà nó phải song hành với việc tuyên truyền về văn hóa, pháp luật, nâng cao nhận thức".

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù Luật trẻ em năm 2016 quy định có 17 cơ quan tổ chức thực hiện bảo vệ quyền trẻ em, nhưng khi xảy ra các sự vụ, không thấy xuất hiện của các cơ quan này. Điều này cho thấy, các quy định hiện nay chưa được cụ thể, phân định chưa rõ trách nhiệm của từng cơ quan, chính quyền và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan còn lỏng lẻo.

Để phòng ngừa tội phạm liên quan đến trẻ em, điều kiện tiên quyết là Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về quyền và cơ chế thực hiện quyền trẻ em

Để phòng ngừa tội phạm liên quan đến trẻ em, điều kiện tiên quyết là Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về quyền và cơ chế thực hiện quyền trẻ em

Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Trẻ vị thành niên phạm tội không chỉ ảnh hưởng đến gia đình, bản thân các em mà còn ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của xã hội.

Bởi vậy, giáo dục nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng xã hội sẽ giúp trẻ em phòng tránh những nguy cơ phạm tội.

Một cô bé 16 tuổi, vì tin lời bạn, chạy sang đường đưa gói hàng cho một lái xe đứng chờ sẵn nhưng không hề biết bên trong gói hàng có ma túy. Một cậu bé vì tin lời của cô bạn gái mới quen qua mạng nói dối tuổi thật, đã cùng nhau đi vào nhà nghỉ khi cô bạn gái chưa đủ 16 tuổi.

Hay một trường hợp, nhắn tin cá độ bóng đã qua mạng, cùng đã bị bắt khi lực lượng chức năng xử lý một đường dây cá độ bóng đá. Những cô, cậu bé nêu trên đều phải trả giá đắt, đánh đổi bằng cả tương lai của mình chỉ vì thiếu những kiến thức về pháp luật.

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến trẻ vị thành niên đã khá đầy đủ bao gồm nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Công ước về Quyền trẻ em, Luật Trẻ em, Luật Giáo dục, Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự... và rất nhiều các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, vẫn còn một số sự chồng chéo trong quy định, bất cập trong thực hiện do hệ thống hình phạt chưa phù hợp với độ tuổi, đặc điểm, tính chất hành vi phạm tội của người chưa thành niên; hoặc hệ thống pháp luật còn những khoảng trống nhất định.

Bởi vậy để phòng ngừa tội phạm liên quan đến trẻ em, điều kiện tiên quyết là Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật quy định về quyền và cơ chế thực hiện quyền trẻ em. Trong đó, Quốc Hội và Chính phủ cần sớm thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam. Bởi đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự.

Các chính sách về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên cần có tiếp cận chuyên biệt, phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em và hướng tới mục đích chính là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi. Tuy nhiên, đối với những hành vi mang tính chất có tổ chức, vi phạm nhiều lần, mang tính bạo lực hoặc liên tục phạm các tội nghiêm trọng cũng cần có những quy định xử lý thật nghiêm khắc, nhằm tăng tính răn đe.

Ở độ tuổi từ 14-18 tuổi, trẻ em có sự thay đổi lớn về thể chất và tâm sinh lý, lại thiếu những kiến thức xã hội, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc nên có những hành vi phạm tội bộc phát, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai các hoạt động tố tụng hình sự, quá trình điều tra, truy tố, xét xử thi hành án hình sự đối với người dưới 18 tuổi cần phải được các cán bộ được đào tạo riêng, có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc với trẻ em và được thực hiện trên tinh thần thân thiện, gần gũi, khơi gợi những giá trị tốt đẹp trong mỗi đứa trẻ, để các em nhận thức được sai lầm của mình, có cơ hội sửa chữa, cải tạo thành công dân tốt.

Cùng với với đó, pháp luật cũng cần bổ sung quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em, cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương, gia đình và xã hội trong giám sát, quản lý hành vi của trẻ để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi phạm tội.

Trẻ dưới 18 tuổi là thế hệ tương lai của đất nước, quyết định vận mệnh của quốc gia. Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp chính vẫn là phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội của trẻ, thông qua các hoạt động giáo dục tuyên truyền về các quy định pháp luật cho các em từ trong gia đình và trong nhà trường. Những kiến thức về pháp luật cần được lồng ghép thông qua các bài giảng, những buổi sinh hoạt chuyên đề, qua những tình huống thực tiễn sẽ giúp các em nhớ và hiểu sâu hơn.

Điều quan trọng hơn cả là chính gia đình, các bậc phụ huynh, người thân của các em nên dành thêm nhiều thời gian để quan tâm, đồng hành cùng con em mình, giáo dục, hướng dẫn các em nhận ra những nguy cơ, cạm bẫy trong cuộc sống, tránh để xảy ra các hành vi phạm tội.

Hải Hà/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/pham-phap-vi-thanh-nien-van-phuc-tap-phap-luat-can-hoan-thien-ra-sao-post1134597.vov