Phạm Phú Thứ với việc giữ yên bờ biển vùng Đông Bắc

Không chỉ là một nhà cải cách, nhà ngoại giao, Phạm Phú Thứ còn có công dẹp giặc biển ở vùng Quảng Yên, Hải Đông khi ông được cử giữ chức Tổng đốc Hải Dương năm 1874.

Phạm Phú Thứ sinh năm 1821, quê ở làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ông đỗ tiến sĩ cập đệ năm 1843, từng trải qua các chức Biên tu, Tri phủ Lạng Giang, Hàn lâm viện thị độc, rồi dạy hoàng tử ở nhà Kinh diên, sau được bổ Tri phủ Tư Nghĩa, Án sát hai tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội.

Việc ông tham gia thương thuyết với người Pháp năm 1863, nhiều sách vở đã viết. Năm 1865, ông được thăng Thượng thư bộ Hộ, kiêm Cơ mật viện đại thần, đã dâng nhiều ý kiến về việc giao thương nơi biên ải cũng như nhiều ý đồ canh tân khác, nhưng chưa được thực hiện.

Triển khai giao thương ven biển

Năm Tự Đức thứ 27 (1874), trước sức ép của quân Pháp, ở Bắc kỳ mới mở nha Thương chính. Thương nhân các nước tới buôn bán đông đúc, nên việc quan trở nên nặng nề. Nhà vua cho Phạm Phú Thứ là người am hiểu, tài cán lão luyện, biết rõ trước sau, nên cho đổi làm thự (tạm quyền) Tổng đốc Hải Dương (lúc đó bao gồm cả phần đất Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay), kiêm chức Tổng lý Thương chính đại thần.

Sau khi về thăm nhà, ông vào kinh dâng sớ nói: “Hạt Hải An là nơi hiểm yếu, nếu dựa vào những quan binh cũ thì đều tỏ ra quá hèn yếu. Gần đây, các tướng tài đất Bắc duy chỉ có Tôn Thất Thuyết và Ông Ích Khiêm là tương đối nổi trội.

Nay Ích Khiêm cáo bệnh về nhà, thần khi về quê ghé thăm hỏi, có nói: “Bệnh cũ ngày một giảm, răng ngựa năm một lớn, không mưu toan báo đáp, là phụ ân phụ cả tâm”. Vậy xin gia ơn chuẩn cho thần tới quyền cấp cho hàm Tướng đốc, để được hiệu báo, may ra nhờ uy linh có thể được ít việc để thần chuyên tâm việc dân chính”.

Phạm Phú Thứ tín nhiệm Ông Ích Khiêm, vì năm 1870, Ông Ích Khiêm đã đánh giặc Tàu ô ở Lạng Sơn, rồi đánh dẹp quân của Tạ Văn Phụng ở Quảng Yên, quân “giặc khách” Tô Tứ ở Đông Triều, khiến quân giặc sợ tiếng. Tuy nhiên sau này, Ông Ích Khiêm có hiềm khích với Tôn Thất Thuyết, bị ông Thuyết bắt tội, từng bị bỏ ngục, rồi sau cáo bệnh về quê.

Trong tờ sớ tâu ngày 13 tháng 11 năm Tự Đức thứ 27 (1874), ông cũng đề đạt lên nhà vua: “Phải có người để giữ vững bờ cõi ta, khiến cho thế của phỉ ngày càng cô lập, người Tây không thể xem thường”.

Vua Tự Đức trả lời rằng: “Ngươi giữ chức tham bồi đã lâu, gặp việc nên biết kỹ. Nay tới đó vỗ yên phòng bị cốt được vững mạnh mà việc thương chính có quan hệ lớn, nên thi thố mưu tài mà làm, cốt có lợi không hại, mà phải giữ bụng cố gắng lấy tiết tháo cho công bằng trong sạch. Bụng mà đã sáng suốt thì việc đều biến đổi xứng đáng cả. Còn Ích Khiêm như đã đổi hết lỗi trước, giao cho ngươi thiện hóa thêm, nhân cho bài thơ để cố gắng thêm”. Nhờ lời tâu trình của ông, mà Ông Ích Khiêm lại được cử ra cầm quân.

Khi Phạm Phú Thứ tới tỉnh Hải Dương, thì tỉnh thành sau cơn binh lửa, dinh thự bị đốt phá, làng ấp tiêu điều. Trước đó, các quan từng bàn việc đặt nha thự để khai trương tuần phòng ở biển, nhưng chưa xây được gì. Khi Phú Thứ đến, mới cùng các phó viện mới là Nguyễn Tăng, Nguyễn Đa Phương thu xếp công việc, dần dần vào việc. Khi đó lại có trận lụt, đê ở huyện Văn Giang tỉnh Bắc Ninh vỡ, nước lụt tràn vào cả hai phủ Bình Giang và Ninh Giang thuộc Hải Dương, ông đã xin trích kho thóc ở Hưng Yên phát chẩn cho dân cứu đói.

Khi các công sở nha thự về việc thương chính được xây xong, hội đồng lãnh sự mở cảng chiêu thương, khiến “một dải sông Cấm thuyền xe tụ họp đông đúc thành ra nơi lạc thổ”.

Dẹp yên giặc biển

Dù Sở Thương chính mới mở, nhưng lúc ấy quân giặc biển chưa hết. Ở đảo Cát Bà thuộc Quảng Yên, vẫn có giặc cướp ra vào và lưu dân Khâm châu bên Trung Quốc tới đó, triều đình đánh giá “phần nhiều càn rỡ ngang ngược” (Đại Nam liệt truyện – Truyện các bề tôi, phần về Phạm Phú Thứ). Nhà vua cho rằng việc tuần phòng hết sức quan trọng, mới sai Phú Thứ phải xét tình trạng, xem nên đánh dẹp hay vỗ về thì tùy liệu mà xử lý.

Phạm Phú Thứ tức thì phái thương biện là Lương Văn Tiến tới hiểu dụ, nên lưu dân yên ổn làm ăn. Sau đó ông cho đặt bang trưởng và đầu mục, cho khai danh sách chịu thuế, thành người có hộ khẩu (gọi là biên hộ). Từ đó, một hạt Quảng Yên được yên bình.

Nhờ thành tích đó, năm 1878, ông được thăng làm Thự Hiệp biện đại học sĩ, vẫn lĩnh chức Tổng đốc. Trước đó, có tên thổ phỉ nước Thanh là Lý Dương Tài chia quân quấy nhiễu hai tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, mà hai huyện Đông Triều và Nam Sách trong tỉnh Hải Dương của ông cũng bị ảnh hưởng, nên ông đã làm sớ tâu về triều.

Vua Tự Đức chuẩn cho Đề đốc Đông Thành là Tôn Thất Hòe đem 500 quân chia đồn đóng giữ. Được một thời gian, Phạm Phú Thứ tâu rằng, lính ở lâu chi phí nhiều mà nhàn hạ sinh trễ nải. Trong khi đó, nơi này ruộng đất bỏ hoang rất nhiều, lên đến hơn 21.800 mẫu, nên xin đặt nha phòng khẩn, vừa phòng thủ, vừa khai khẩn, khiến người và đất chịu được lâu, có lợi về chiến lược lâu dài. Vua cho đó là việc hưng lợi trừ hại, theo lời trình bày cho thi hành.

Khi Phạm Phú Thứ trấn giữ ở Hải Đông, việc tuần phòng ven biển rất nghiêm ngặt. Lúc đó, ở Quảng Nam mấy năm mất mùa, đói kém, mà việc tuần phòng khiến thuyền buôn gạo cũng bị cấm nghiêm. Ông mới thương lượng tạm bỏ điều cấm, hoặc cho thuyền buôn chở gạo về Quảng Nam bán cho dân. Riêng ông còn bỏ tiền lương bổng ra mua 1.000 phương gạo gửi về chia ra phát chẩn cho dân đói ở huyện nhà, nhân đó cứu sống được nhiều người, mãi về sau nhân dân vẫn còn ghi nhớ.

Tuy nhiên, ông cũng bị kiện lên vua vì chuyện quản lý thương mại. Đại ý việc bán gạo cho thương nhân người Pháp thì cấm mà bán cho người Thanh thì được, hoặc buôn bán ở tỉnh Ninh Bình, Hà Nội thì cấm mà ở Trà Lý thì lại cho, và đòi thay chức Tổng đốc Hải Dương. Vua cho rằng những lời này mới là một phía, không chuẩn thay đổi, chỉ ra mật dụ nghiêm trách, yêu cầu hết sức sửa lỗi mà làm, khiến cho tình hình buôn bán yên ổn mà lời đồn cũng hết.

Đến khi có viên Khâm phái Ngự sử là Dương Quản tâu rằng, ở hạt Hải Dương có người buôn nước Thanh chở trộm gạo buôn về nước và viên Giám đốc tuần phòng ngoài biển là Lương Văn Tiến (em họ ngoại của Phạm Phú Thứ) cậy thế chở gạo ra ngoại quốc. Vua sai thự Tổng đốc là Lê Điền làm Khâm sai tra xét. Lúc đó Phạm Phú Thứ mắc bệnh, xin về kinh chữa thuốc và đợi án, nhưng Lê Điền xin cho Phú Thứ ở lại vài tháng để giúp ông am hiểu việc địa phương, vua y cho.

Năm 1880, vụ án được triều đình xét xử, vua chuẩn giáng Phạm Phú Thứ làm Quang Lộc tự khanh, lĩnh Tham tri bộ Binh. Lúc này ông ốm nặng, xin về nghỉ, đến năm 1881 thì mất, thọ 61 tuổi.

Vua Tự Đức thương tiếc, dụ rằng: “Phú Thứ tới trông coi việc Thương chính ở Hải Dương, công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo. Những lưu dân gian ác ở Quảng Yên, ông tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo. Đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu”.

Do đó, vua gia ơn cho truy phục nguyên hàm là Thự Hiệp biện đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ, và còn sắc cho quan địa phương tới tế một tuần.

Lê Tiên Long

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tin-tuc-su-kien/pham-phu-thu-voi-viec-giu-yen-bo-bien-vung-dong-bac-ar524291.html