Phạm Thanh Tùng - Sinh viên Luật đạt điểm 10 khóa luận và hành trình lan tỏa giá trị nhân văn
Lớn lên trong vòng tay bà ngoại ở miền quê Thanh Hóa, Phạm Thanh Tùng đã viết nên hành trình vượt khó đầy nghị lực: từ cậu bé chắt chiu cơ hội học tập đến thủ khoa Đại học Luật Hà Nội, đạt điểm tuyệt đối khóa luận tốt nghiệp và miệt mài lan tỏa tri thức pháp lý bằng trái tim từng sống trong thiếu thốn. Với Tùng, pháp luật không chỉ là đúng sai, mà là cách bảo vệ con người và gieo mầm tử tế.
>
Trong thế giới pháp luật - nơi tưởng như chỉ có lý lẽ và nguyên tắc thì chàng thanh niên Phạm Thanh Tùng lại chọn một cách đi khác: song hành cùng trái tim để lý giải cuộc đời. Sinh viên năm cuối ngành Luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội, Tùng không chỉ nổi bật với bảng thành tích học tập ấn tượng mà còn truyền cảm hứng bởi một hành trình đầy nhân văn: học luật để hiểu người, làm tình nguyện để hiểu tình.
Điểm 10 tuyệt đối khóa luận tốt nghiệp chỉ là một dấu ấn trong chuỗi thành tích đáng nể, Phạm Thanh Tùng đã chứng minh rằng luật pháp không chỉ được viết bằng câu chữ, mà còn bằng sự thấu cảm, nỗ lực bền bỉ và một trái tim luôn hướng về con người.

Phạm Thanh Tùng trong ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp - một cột mốc ghi dấu hành trình học tập độc lập và nỗ lực bền bỉ của cậu
Từ đứa cháu của bà đến thủ khoa không học thêm
Sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn, lớn lên trong vòng tay bà ngoại ở một miền quê của Thanh Hóa, Phạm Thanh Tùng hiểu rõ giá trị của sự chắt chiu. “Mọi yêu thương, sự đùm bọc của mình đều từ bà mà ra”, Tùng chia sẻ. Tuổi thơ của cậu gói gọn trong hình ảnh người bà tảo tần chăm sóc cháu. Từ đó, bà đối với anh vừa là mái ấm, vừa là động lực để cố gắng.
Năm 2021, Tùng trở thành thủ khoa khối C tỉnh Thanh Hóa với 28.75 điểm mà không cần đến một buổi học thêm nào. “Mình tự học hoàn toàn, lập thời gian biểu chi tiết từng giờ, từng môn, ép bản thân luyện đề như thi thật”. Cậu nhớ lại khoảng thời gian ôn luyện miệt mài ấy, nhớ đến những tháng ngày thức khuya, kỷ luật thép, tuy mệt nhưng cũng là quãng thời gian đáng nhớ, giúp Tùng định hình bản lĩnh học tập độc lập của bản thân.

Thanh Tùng và cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hương - người đã đồng hành cùng cậu trong những khoảng thời gian khó khăn
Luật pháp là lý trí, tình nguyện là trái tim và mình chọn cả hai
Sau khi đỗ nguyện vọng 1 vào trường Đại học Luật Hà Nội, Tùng chăm chỉ học tập và thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội. Hành trình tham gia từ vị trí tình nguyện viên SEA Games 31, đến những chuyến đi tuyên truyền pháp luật ở các tỉnh miền núi, từng đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Xã hội và hiện tại là cố vấn Câu lạc bộ Tình nguyện Trường Đại học Luật Hà Nội,... tất cả đã khắc họa một Phạm Thanh Tùng luôn chọn dấn thân, sống có trách nhiệm và không ngừng kết nối tri thức pháp luật với những giá trị nhân văn giữa đời sống cộng đồng. “Có lẽ vì mình lớn lên trong thiếu thốn, nên luôn muốn san sẻ. Làm tình nguyện giúp mình thấy rằng ngoài sách vở, còn có những cuộc đời rất thật, rất khổ và họ cần luật pháp để bảo vệ, chứ không chỉ để phán xét”, cậu xúc động chia sẻ.

Dù ở cương vị nào, Phạm Thanh Tùng vẫn mong muốn dùng nghề luật để lan tỏa sự tử tế và bảo vệ những mảnh đời dễ tổn thương
Kỷ niệm khiến Tùng xúc động nhất là chuyến đi Hà Giang năm nhất. “Trên đỉnh đồi vắng vẻ, một trưởng thôn mời bọn mình ăn cơm với món thịt luộc và mèn mén. Nhưng lúc xuống bếp, mình thấy vợ con anh ấy chỉ ăn mèn mén với nước lọc. Lúc đó, mình thấm thía rằng họ dành hết phần tốt nhất cho mình dù mình chỉ là khách, nhưng thật sự chính họ cũng đang rất thiếu thốn”.
Thực tập ở Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội: “Luật không chỉ là đúng - sai”
Không dừng lại ở những trải nghiệm cộng đồng, Tùng còn sớm va chạm với môi trường nghề nghiệp khi có cơ hội thực tập tại Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội (nay là Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao) - nơi xử các vụ phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Ở đó, cậu học được nhiều hơn cả lý lẽ.

Phạm Thanh Tùng trong thời gian thực tập tại Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội
“Có một vụ ly hôn, người bố không muốn nuôi con dù giành được quyền nuôi. Thẩm phán chỉ nói: ‘Bây giờ anh thử suy nghĩ sau này các con của anh lớn lên cầm một bản án phúc thẩm chỉ rằng ngày xưa bố đã từ chối nuôi nó thì liệu con anh còn chấp nhận nhìn anh nữa không?’ Và cả phiên tòa lặng đi. Lúc đó, mình không chỉ khâm phục kĩ năng xử lý của cô chú thẩm phán, mà quan trọng hơn khi mình hiểu rằng, làm luật không chỉ cần đúng, mà còn phải hiểu người”.
Không có đề tài nào khó - chỉ có người học chưa đủ sâu
Dù chọn đề tài không mới – “Nguyên đơn trong vụ án dân sự” – cho khóa luận tốt nghiệp, Tùng vẫn quyết tâm tiếp cận theo cách riêng, đào sâu bản chất và khẳng định tư duy độc lập. Cậu không muốn bài viết của mình chỉ dừng lại ở việc tổng hợp kiến thức, mà khao khát tạo ra một dấu ấn riêng: từ việc xây dựng hệ thống lý luận xuất phát từ sách cổ thập niên 60, đến nghiên cứu hàng chục bộ luật quốc tế để mở rộng góc nhìn và nền tảng pháp lý. “Mình muốn bài viết có cá tính học thuật của riêng mình”, Tùng nói.

Phạm Thanh Tùng trong thời gian thực tập tại Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội
Và điều đó đã được công nhận khi các giảng viên chấm điểm nhận xét: “Bài của bạn có cá tính khoa học riêng, giàu tính hệ thống”. Khóa luận tốt nghiệp của Tùng không chỉ gây ấn tượng về chiều sâu nghiên cứu mà còn đạt điểm tuyệt đối - một thành tích xuất sắc trong môn Luật Tố tụng dân sự, nơi giảng viên thường đặt tiêu chí khá cao cho sinh viên.
Tư duy lý trí, trái tim nhân hậu - Tùng định hướng bản thân trở thành một người làm luật tử tế
Phạm Thanh Tùng hiện đang hướng tới trở thành luật sư tranh tụng nhưng cũng sẵn sàng vào làm việc trong cơ quan nhà nước nếu có cơ hội. “Làm luật sư là hành trình bảo vệ công lý và giúp người yếu thế có tiếng nói”, cậu chia sẻ ước muốn.
Tùng cho rằng, làm luật không thể tách khỏi sự tử tế. “Khi đi tình nguyện, mình học được nhiều kỹ năng con người: lắng nghe, quan sát, cảm nhận. Những điều ấy sách luật không dạy. Nhưng chính nó giúp mình hiểu người hơn, từ đó áp dụng luật hợp lý và hợp tình”.

Tùng còn là tình nguyện viên trong chương trình Mùa hè xanh do Ban liên lạc Sinh viên Thanh Hóa Tại Đại học Văn hóa Hà Nội - Hội đồng hương tổ chức
Lời nhắn gửi: Hãy phát triển thế mạnh của bạn - và sống tử tế
Gửi tới các bạn trẻ ngày nay, Tùng nhắn nhủ: “Ai cũng có điểm mạnh riêng hãy phát triển nó thành phong cách cá nhân. Đừng tự ti. Dù xuất phát điểm thế nào, bạn cũng có thể làm được điều tốt đẹp nếu dám dấn thân”.
Hành trình của Phạm Thanh Tùng - từ một cậu bé sống cùng bà, đến người sinh viên giỏi, đầy lý tưởng và nhân hậu chính là minh chứng rằng: hiểu luật không chỉ để cãi lý, mà để sống đúng và tử tế. Vì với Tùng, luật pháp không chỉ là nghề, mà là một cách sống.