Rà soát, chỉnh sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, thành

Việc sách giáo khoa chưa kịp cập nhật những thay đổi về địa giới hành chính sau sáp nhập đang khiến nhiều người băn khoăn.

Chị Nguyễn Thị Thu (phường Hà Đông) có con năm nay bước vào lớp 5. Sách giáo khoa đăng ký với nhà trường đã được phát tới tay, bản thân chị cũng khá băn khoăn khi có những thay đổi mà sách giáo khoa chưa kịp chỉnh sửa.

"Hai mẹ con đã soạn một số sách, trong đó có môn Lịch sử, Địa lý khá lưu tâm vì một số tỉnh, thành đã được sáp nhập nhưng trong sách giáo khoa vẫn còn bản đồ về các tỉnh, thành đó. Tôi cũng khá lo lắng sẽ dạy các con thế nào", chị Thu chia sẻ.

Trong khi đợi những hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như tập huấn thay đổi từ các nhà xuất bản, bản thân các nhà trường và giáo viên bộ môn cũng đang cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu và điều chỉnh, để không gặp khó khi năm học mới sắp tới.

Thầy giáo Đoàn Minh Châu - Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Phương cho biết: "Năm nay có sự kiện rất đặc biệt là việc sáp nhập các tỉnh. Do vậy địa giới hành chính các tỉnh thay đổi, liên quan đến rất nhiều bộ môn, đặc biệt là bộ môn Địa lý lớp 12. Chúng tôi cũng đề nghị giáo viên cập nhật, điều chỉnh cho sát thực tế".

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số môn học chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi địa giới hành chính gồm: Lịch sử và Địa lý lớp 4, lớp 5, lớp 9; Địa lý lớp 12; Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 10. Các môn này sẽ thực hiện các bước theo quy định để chỉnh sửa ngữ liệu môn học làm căn cứ để thực hiện chỉnh sửa sách giáo khoa.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, việc sửa sách giáo khoa, hoàn thiện bản thảo sửa sách trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định thông qua các nội dung sửa chữa của sách giáo khoa sẽ được khẩn trương tiến hành với nguyên tắc cập nhật các nội dung yêu cầu cần đạt và kiến thức, địa danh, bản đồ, biểu đồ, kinh tế xã hội.

Năm học 2025 - 2026, giáo viên và các nhà trường tiếp tục sử dụng chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Đồng thời chủ động lựa chọn, điều chỉnh ngữ liệu, bài học, chủ đề giảng dạy phù hợp với thực tiễn địa phương và mô hình chính quyền hai cấp.

Thu Hiền

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ra-soat-chinh-sua-sach-giao-khoa-sau-sap-nhap-tinh-thanh-346607.htm