Phạm tội chỉ vì một review chê bai ở Indonesia
Stella Monica Hendrawan (26 tuổi, Indonesia) đã dành 2 năm để chứng minh sự trong sạch của bản thân khi bị buộc tội phỉ báng theo Luật Giao dịch và thông tin điện tử (ITE).
Năm 2019, Hendrawan đã đăng bài phàn nàn trên Instagram cá nhân về trải nghiệm tồi tệ của cô khi sử dụng dịch vụ tại một thẩm mỹ viện ở thành phố Surabaya.
Trong bài viết của mình, cô gái 26 tuổi người Indonesia gốc Trung Quốc cho biết phương pháp điều trị mụn trứng cá mà cô nhận được trong 6 tháng đã khiến tình trạng da mặt trở nên tồi tệ hơn. Sau đó, Hendrawan phải tìm đến bác sĩ da liễu để tham khảo ý kiến và thay đổi cách điều trị.
“Tôi chỉ nói về cảm nhận của mình với tư cách là khách hàng với những người bạn trên mạng. Tôi không hề biết phòng khám này sẽ kiện tôi tội bôi nhọ danh tiếng của họ”, Hendrawan nói với SCMP.
Theo SCMP, vụ việc này đã châm ngòi cho cuộc tranh luận về luật ITE. Nhiều người cho rằng điều luật này là sự thiếu sót, dễ bị lạm dụng như một cách để bịt miệng và kìm hãm quyền tự do ngôn luận của công dân. Từ lâu, nó đã bị chỉ trích và ngay cả Tổng thống Joko Widodo cũng muốn sửa đổi.
Review chê bai trên mạng
Hendrawan cho hay phòng khám không hài lòng với lá thư và video xin lỗi mà cô đã đăng trên trang cá nhân. Thay vào đó, đơn vị này muốn Hendrawan, khi đó vừa tốt nghiệp đại học, nhận lỗi trên mặt trang của các tờ báo lớn trong khu vực và toàn quốc với mức phí khoảng 800 triệu rupiah (55.900 USD).
Không thể đáp ứng những yêu cầu này, Hendrawan đã bị cảnh sát điều tra theo luật Internet năm 2008.
“Tôi bị tuyên bố là nghi phạm vào tháng 10/2020. Một nhóm cảnh sát đã đến nhà, tịch thu điện thoại di động và chiếm quyền kiểm soát tài khoản Instagram của tôi”, cô nói.
Bị buộc tội phỉ báng và lan truyền thông tin sai lệch, Hendrawan có thể phải đi tù một năm. Đây cũng là cảnh ngộ tương tự đã xảy ra với khoảng 88% những người bị cáo buộc vi phạm luật ITE từ năm 2016-2020, theo Mạng lưới Tự do ngôn luận Đông Nam Á (SAFEnet).
Trong cuộc chiến pháp lý kéo dài 2 năm để chứng minh sự vô tội của mình, Hendrawan cảm thấy bị tẩy chay bởi những người mà cô nghĩ là bạn bè, người quen.
“Nhiều bạn bè, thậm chí cả những người trong nhà thờ của tôi, đã xa lánh tôi. Đã có lúc tôi nghĩ đến việc kết liễu đời mình”, Hendrawan kể lại.
May mắn thay, Hendrawan được tuyên trắng án vào hôm 14/12 sau một chiến dịch gây áp lực trong phòng xử án, trên đường phố và mạng xã hội với sự giúp đỡ của Hiệp hội Nạn nhân của Luật ITE (PAKU ITE).
Tuy nhiên, cô gái vẫn chưa hoàn toàn yên tâm vì các công tố viên địa phương vẫn có thể nộp đơn kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn.
HK Kosasih, luật sư đại diện cho thẩm mỹ viện trên, nói rằng Hendrawan chưa bao giờ khiếu nại về việc điều trị của cô và đã tự ý chuyển đến một phòng khám mới mà không thông báo trước.
Người này lập luận cô đã đưa ra những nhận xét sai lầm trên mạng về phương pháp điều trị chỉ sau vài tháng và đó là nguyên nhân khiến tình trạng da của cô xấu đi.
“Những lời phê phán chân chính không nên được đưa ra theo cách xúc phạm, sai sự thật”, anh nói.
Lợi dụng kẽ hở của luật
Anindya Shabrina Joediono, thư ký của PAKU ITE, cho biết luật Internet của Indonesia thường được sử dụng để nhắm vào công dân, người tiêu dùng, nhà hoạt động sinh viên, nhà báo và những người dám nói sự thật trước quyền lực.
Hiệp hội này ước tính có 70% trường hợp dính dáng đến quan chức chính phủ, cơ quan và doanh nghiệp.
Để đấu tranh cho Hendrawan, PAKU ITE đã hợp tác với một loạt các tổ chức trợ giúp pháp lý, nhóm hoạt động về quyền, bao gồm SAFEnet và một số nhà báo.
Liên minh Bảo vệ Người tiêu dùng đã hỗ trợ luật sư đại diện miễn phí cho Hendrawan và tổ chức những cuộc biểu tình nhằm ủng hộ cô gái.
“Mục đích là để nâng cao nhận thức của công chúng về vụ việc, đồng thời tạo áp lực lên cơ quan tư pháp để hành động một cách công bằng và liêm chính”, Joediono bày tỏ.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo - từng ân xá cho nhiều người bị bỏ tù theo luật ITE - cho hay ông cũng muốn sửa đổi điều luật này.
Vào tháng 11/2021, một bản dự thảo sửa đổi luật đã được hoàn thiện và gửi đến cơ quan lập pháp quốc gia để xem xét.
Chính phủ Indonesia cũng đã thành lập lực lượng đặc nhiệm để giám sát việc sửa đổi luật và cung cấp hướng dẫn cho những người thực thi nhằm áp dụng luật một cách công tâm hơn.
Thế nhưng, với Hendrawan, tất cả điều này đều đến quá muộn bởi cô đã bị tổn thương sâu sắc vì những lời chỉ trích, đe dọa từ vụ việc trên.
“Là những người chưa bao giờ gặp nhưng họ đã thông cảm và đứng ra bảo vệ tôi mà không do dự. Vụ án này là một trải nghiệm xấu hổ đối với tôi nhưng nó cũng giúp mọi thứ đi theo chiều hướng khác”.
Luật ITE được sửa đổi lần cuối vào năm 2016 sau khi có khiếu nại về các bản án hà khắc trước đó. Nhưng những điều khoản bên trong vẫn còn mơ hồ và khó giải thích.
Trong khi đó, Hendrawan hy vọng rằng công tố viên sẽ không kháng cáo vụ án này.
“Tôi mong lẽ phải sẽ thắng thế bởi cuộc sống của tôi đã bị đảo lộn vì điều đó. Tôi có thể sẽ mạnh mẽ hơn nhưng tôi nghĩ toàn bộ sự việc là một trò đùa của công lý”, cô gái 26 tuổi nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/pham-toi-chi-vi-mot-review-che-bai-o-indonesia-post1285775.html