Phần 4: Thế giới đã và đang tắt sóng 2G như thế nào?
Loại bỏ công nghệ cũ để nhường chỗ cho công nghệ mới là điều không có gì phải bàn cãi. Trên thế giới, đã có những quốc gia tắt sóng 2G từ cách đây 10 năm.
Theo dự báo của Hiệp hội Thông tin Di động Toàn cầu GSMA, lượng thuê bao 2G (trên tổng số thuê bao các thế hệ mạng di động) trên thế giới sẽ giảm từ mức 40% năm 2017 xuống còn 6% vào năm 2025. Lượng điện thoại 2G bán ra trên toàn cầu cũng giảm mạnh, dự kiến còn 15,1% vào năm 2023. Lượng thuê bao 3G giảm còn 21% vào năm 2025.
Nhiều nước châu Á tiên phong tắt 2G
Có một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt châu Á, đã tắt sóng 2G, thậm chí cả sóng 3G, để ưu tiên băng tần cho mạng di động thế hệ mới. Nhật Bản là quốc gia đi đầu khi tắt sóng 2G vào năm 2011. Nhà mạng KT Corp của Hàn Quốc cũng đã sớm tắt sóng 2G vào năm 2011 trong khi một nhà mạng khác là SK Telecom mới chỉ tắt sóng 2G vào tháng 7 năm ngoái.
Đài Loan cũng là một trong những nơi tắt sóng 2G khá sớm. Việc tắt sóng đã diễn ra vào ngày 1/7/2017. Vào thời điểm tắt sóng 2G, ước tính vẫn còn hơn 60.000 thuê bao 2G của nhà mạng Chunghwa Telecom, 20.000 của Taiwan Mobile và 8.000 của mạng Far EasTone. Vào thời điểm đó, nếu các thuê bao 2G cố gắng thực hiện cuộc gọi, họ sẽ được chuyển hướng tới trung tâm dịch vụ khách hàng của nhà mạng và sẽ được giải thích về việc cần phải nâng cấp lên 4G. Số di động của các thuê bao này được duy trì đến hết tháng 12/2017. Sau thời điểm đó, người dùng nếu không nâng cấp lên sử dụng dịch vụ 4G thì nhà mạng sẽ thu hồi lại để phục vụ thuê bao khác.
Trước Đài Loan, Singapore cũng đã thực hiện ngắt sóng 2G từ tháng 4/2017. Các nhà mạng M1, Singtel và StarHub đã tiến hành ngừng hoạt động của mạng 2G theo các giai đoạn và hoàn thành quá trình vào ngày 18/4/2017. Theo yêu cầu của Cục Phát triển Thông tin Truyền thông Singapore (IMDA), các nhà mạng nước này đã cho phép người dùng 2G tiếp tục giữ số thuê bao và gói cước khi nâng cấp lên mạng 3G và 4G mà không mất thêm chi phí nào. IMDA đã tổ chức các lớp tuyên truyền cho những người muốn học cách sử dụng smartphone, đồng thời làm việc với các nhà mạng để cung cấp cho người dùng các mẫu smartphone có giá dưới 36 USD. Trước đó, từ tháng 1/2017, IMDA đã cấm bán tất cả thiết bị 2G nhằm loại bỏ hẳn công nghệ 2G khỏi hệ thống viễn thông quốc gia.
Tại Trung Quốc, vào tháng 6.2019, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin nước này đã cấp phép thương mại 5G cho 3 nhà mạng China Mobile, China Telecom và China Unicom. Cũng vào thời điểm đó, Bộ đã khuyến cáo 3 nhà mạng chuyển khách hàng khỏi các gói 2G và 3G để giải phóng băng tần cho 5G. Ông Wen Ku, Cục trưởng Cục Phát triển Thông tin và Truyền thông (Bộ CN và CNTT) nói rằng đây là thời điểm chín muồi để Trung Quốc giã từ 2G và 3G. Mặc dù vượt qua nhiều quốc gia khác trong việc triển khai 5G, nhưng Trung Quốc lại tương đối chậm chạp trong việc ngừng hoạt động mạng 2G của mình. Tính đến cuối tháng 8/2019, các nhà mạng di động của Trung Quốc có 1,25 tỷ người dùng 4G, 119 triệu người dùng 3G và chưa đến 21 triệu người dùng 2G.
China Unicom thông báo sẽ tắt 2G vào tháng 12/2021. Còn China Mobile vẫn chưa đưa ra hạn chót để tắt 2G, trong khi lại tiến hành tắt 3G trước vì mạng 3G của nhà mạng này dựa trên công nghệ TD-CDMA, vốn không tương thích với các chuẩn quốc tế. Dự kiến việc tắt 3G hoàn tất vào đầu năm 2021. Nhà mạng China Telecom thì đã không cho thuê bao đăng ký 2G và 3G trong mạng của mình.
Tại Ấn Độ, nhà mạng Rcom cũng đã dừng 2G từ năm 2017.
Có một điều khá thú vị là vào năm 2018, 3 nhà mạng của Thái Lan là AIS, True Move và Dtac đã kiến nghị với cơ quan quản lý viễn thông của nước này để tắt sóng 2G và đã được chấp thuận ngừng dịch vụ vào tháng 10/2019. Tuy nhiên, gần đến ngày dừng dịch vụ, 3 nhà mạng này đã suy nghĩ lại và xin được hoãn tắt mạng 2G thêm vài năm nữa. Vào thời điểm đó, số lượng thuê bao 2G của 3 nhà mạng là 3 triệu người trên tổng số 81,7 triệu thuê bao di động. Cho đến nay, Thái Lan vẫn chưa đưa ra hạn chót tắt sóng 2G.
Châu Đại dương cũng không ngoại lệ
Tương tự như châu Á, các quốc gia châu Đại dương cũng đã sớm dừng công nghệ 2G. Nhà mạng Testra đã dừng 2G tại Úc từ tháng 12/2016, nhà mạng Optus dừng từ tháng 4/2017 còn nhà mạng Vodafone thì dừng từ 30/9/2017. Tuy nhiên, Vodafone hiện vẫn cung cấp 2G ở New Zealand. Hai nhà mạng Spark và 2 Degree đã dừng 2G ở New Zealand từ tháng 7/2012 và tháng 3/2018. NTT Docomo dừng 2G tại Guam & Saipan từ 10/2018.
Nhiều quốc gia châu Mỹ đã tắt 2G
Canada là quốc gia tiên phong trong việc tắt sóng 2G ở châu Mỹ. Hai nhà mạng của nước này là Telus và Bell đã tắt 2G từ năm 2017 và 2018.
Hoa Kỳ, quốc gia lớn nhất châu Mỹ cũng đã sớm tắt 2G. Vào đầu năm nay, không còn mạng 2G nào hoạt động thuộc các nhà mạng của Mỹ. Nhà mạng AT&T đã tắt từ năm 2016, Verizon Wireless tắt từ năm 2019 và T-Mobile mới tắt từ tháng 12/2020.
Các mẫu điện thoại 2G của Nokia, Ericsson và Motorola
Hai nhà mạng ở Mexico đã tiến hành tắt sóng 2G vào những tháng cuối cùng của năm 2020, trong khi đó Brazil và Columbia đang xem xét lộ trình tắt sóng 2G. Ở Brazil, có lẽ mạng 3G sẽ được tắt trước .
Châu Âu tắt 3G trước 2G
Kế hoạch tắt sóng di động công nghệ cũ ở châu Âu có sự khác biệt với phần lớn các nước trên thế giới. Các quốc gia châu Âu có xu hướng tắt 3G trước 2G do sự phổ biến của các dịch vụ M2M và IoT dựa trên công nghệ 2G. Châu Âu đang xem xét việc tái sử dụng công nghệ 2G cho các dịch vụ như NB-IoT (dịch vụ IoT băng hẹp) do chi phí thấp và phạm vi phủ sóng rộng.
Nhà mạng Vodafone và Deutsche Telekom đều công bố dừng 3G trên khắp châu Âu từ trong giai đoạn 2020-2021, trong khi không đề cập gì đến việc tắt 2G. Nhà mạng Telefonica của Tây Ban Nha tuyên bố sẽ tắt mạng 3G vào năm 2025 và 2G vẫn tiếp tục hoạt động không xác định thời hạn.
Các nhà mạng của Thụy Sĩ có lẽ là những công ty viễn thông duy nhất ở châu lục này đóng cửa 2G sớm. Trong khi Sunrise đã tắt 2G vào năm 2018 thì Swisscom mới dừng 2G vào năm 2020.
Châu Phi còn sử dụng 2G lâu dài
Do đa phần các nước châu Phi có nền kinh tế kém phát triển, hệ thống viễn thông nghèo nàn, các thiết bị đầu cuối đa phần là 2G nên sẽ không có gì ngạc nhiên khi 2G và 3G sẽ còn tồn tại lâu dài ở châu lục này.