Phản ánh hiện thực cuộc sống sinh động

Sơn La, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và làm phong phú thêm đời sống sống tinh thần của nhân dân.

Tác phẩm múa “Lung linh sắc xuân”, của tác giả Trần Minh Hải, đoạt giải B Giải thưởng văn học, nghệ thuật lần thứ ba.

Tác phẩm múa “Lung linh sắc xuân”, của tác giả Trần Minh Hải, đoạt giải B Giải thưởng văn học, nghệ thuật lần thứ ba.

Động viên, khuyến khích các văn nghệ sĩ, công chúng tích cực tham gia sáng tác văn học nghệ thuật, ngay đầu năm mới 2025, tỉnh đã tổ chức trao Giải thưởng văn học, nghệ thuật lần thứ ba, giai đoạn 2022-2024. Họa sĩ Lê Chương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh, cho biết: Giải thưởng văn học, nghệ thuật tỉnh được tổ chức lần đầu vào năm 2018, để tôn vinh sự lao động, sáng tạo của các văn nghệ sĩ và các tác giả sáng tác văn học, nghệ thuật về vùng đất và con người Sơn La. Qua các trại sáng tác và cuộc vận động sáng tác, đã có 300 tác phẩm thuộc các chuyên ngành: Thơ tiếng phổ thông, thơ tiếng dân tộc, văn xuôi, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, múa và tiểu luận, phê bình, sưu tầm nghiên cứu văn nghệ dân gian; kịch bản, sân khấu, phim truyền hình, chương trình nghệ thuật, của 96 lượt tác giả đủ điều kiện đăng ký tham dự xét giải. Các tác phẩm đều được các tác giả đầu tư công phu, chất lượng, phản ánh hiện thực cuộc sống sinh động, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất và con người Sơn La.

Ở chuyên ngành văn xuôi, tiêu biểu có tập truyện ngắn “Gió đông rưng rức, trở về Pá Cha” của tác giả Hoàng Lệ Thủy; “Khói chiều biên ải” của Kiều Duy Khánh; 2 tập truyện ngắn “Nhãn cười” và “Cái sừng nai” của Trần Nguyên Mỹ. Với chuyên ngành thơ tiếng phổ thông, phải kể đến tập thơ “Hồn chiêng giữ vía” của tác giả Kiều Duy Khánh; tập thơ “Mùa lá thức” của Lương Mỹ Hạnh; “Thơ của lính” của Nguyễn Vũ Điền và “Tiếng đàn môi” của Nguyễn Hồng Minh;... Với thơ tiếng dân tộc, có tập thơ “Xết vềl bủng dắl Lao Khô” (Xuân về vùng cao Lao Khô) của tác giả Đinh Văn Liển; chùm thơ song ngữ “Bác Hồ trong lòng dân Sơn La” của Cà Thị Hoan; “Đảng chắp kiểu hua mốc dân mưỡng” (Lời của Đảng mãi bên lòng dân) của Lò Xuân Thương; “Ép học cắp dệt toi Pú Hỗ” (Học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ) của Cầm Vui và “Quãm Pú Hố dương ta vễn xiểng xóng” (Lời Bác dạy như vầng dương chiếu rọi) của Lò Thị Na Ly...

Chuyên ngành mỹ thuật có bước phát triển cả về đội ngũ và chuyên môn. Một số tác giả đã khai thác, xử lý tốt chất liệu sơn dầu, đa dạng về phong cách, bám sát hiện thực đời sống, khai thác truyền thống và vận dụng ngôn ngữ hội họa hiện đại. Tiêu biểu như tác phẩm “Se sợi lanh” của họa sĩ Lê Chương; “Chơi Tó mák lẹ” của Lò Văn Thi; “Về xòe cùng nhau” của tác giả trẻ Lò Tùng Bách.

Ở chuyên ngành nhiếp ảnh, các tác phẩm đã bám sát đề tài, góc nhìn mang tính phát hiện, thể hiện được sự độc đáo trong sáng tạo, thẩm mỹ cao, bố cục mạnh mẽ, mới lạ. Ấn tượng nhất với cụm tác phẩm “Hoàng hôn trên cầu kính Bạch Long”, “Cam OCOP - cam của người Việt”, “Dải biên cương” của tác giả Nguyễn Mạnh Hải; “Sóng xanh cao nguyên” của Đỗ Trường Vinh; “Trẻ em dân tộc Mông Tây Bắc”, “Ném pao ngày xuân” của Nguyễn Ngọc Vinh.

Đối với chuyên ngành âm nhạc, các tác phẩm đều mang đậm chất nghệ thuật, diễn cảm, ca từ đẹp, giai điệu mượt mà, sâu lắng, thiết tha, vận dụng nhuần nhuyễn chất liệu dân ca miền núi, làm sáng rõ hơn hình tượng con người và mảnh đất Sơn La. Nổi bật như ca khúc “Chuyện tình Nộc Khum” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân; “Sơn La bừng sáng tương lai” của Vũ Như Quỳnh; “Việt - Lào thắm sắc hoa” của Nguyễn Đức Nguyên...

Đoạt giải A chuyên ngành nhiếp ảnh, tác giả Nguyễn Mạnh Hải, Chi hội văn học, nghệ thuật Mộc Châu, chia sẻ: Đây là giải thưởng hết sức ý nghĩa, khuyến khích, động viên các nghệ sĩ tiếp tục lao động, sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà.

Với chuyên ngành múa, cụm tác phẩm “Trưởng thành”, “Muôn tỏn mua maứ” (Vui đón mùa mới) của tác giả Nguyễn Trung Hưng; “Đêm chợ tình” của Lò Văn Thọ; “Giữa dòng Đà giang” của Trần Minh Hải; “Em dệt sợi thương” của Lò Hải Lam;... có sự sáng tạo và cấu trúc chuyên nghiệp, khắc họa được đặc điểm dân tộc, có tính tạo hình, âm nhạc và múa tương thích.

Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật của tỉnh là kết quả đánh giá sự nỗ lực không ngừng và tâm huyết của đội ngũ văn nghệ sĩ. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã và đang đóng góp vào nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Sơn La.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/phan-anh-hien-thuc-cuoc-song-sinh-dong-tycfJEDHg.html