Phản bác luận điệu xuyên tạc Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ (kỳ 3)

Kỳ 3. GIỮ VỮNG NIỀM TIN, BẢO VỆ ĐẢNG, BẢO VỆ CHẾ ĐỘ

Phải khẳng định rằng, miễn nhiệm, từ chức là việc diễn ra bình thường, không chỉ có ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới và không phải đến bây giờ mới có.

Đảng và Nhà nước ta đã có những quy định rõ ràng, chặt chẽ, đầy đủ căn cứ pháp lý đối với việc miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Vấn đề này đã được đề cập trong các nghị quyết, quy định của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước mà gần đây nhất là Quy định 41.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (ảnh: baochinhphu.vn)

Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII (ảnh: baochinhphu.vn)

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị tại Quy định 41, thời gian qua, Trung ương và các địa phương đã xem xét và đồng ý để một số cán bộ lãnh đạo quản lý thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác. Việc này được thực hiện khẩn trương, đúng quy trình quy định. Điều đó cho thấy Đảng ta quyết tâm thanh lọc những cán bộ yếu kém để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trở lại với bài viết Quy định 41 của Bộ Chính trị giúp cán bộ cấp cao “hạ cánh an toàn”của BBC, từ việc nghiên cứu Quy định 41 và liên hệ với các nghị quyết, quy định của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chúng ta có đủ căn cứ, lý lẽ để phản bác luận điệu méo mó, xuyên tạc trong bài viết này. Bởi lẽ:

Quy định 41 có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng rất rõ ràng. Quy định đưa ra nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phạm vi điều chỉnh của Quy định 41 là tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ở nước ta chứ không riêng cán bộ cấp cao. Thế nhưng, bài viết của BBC đã cố tình thu hẹp phạm vi điều chỉnh của quy định này là chỉ áp dụng đối với “cán bộ cấp cao” nhằm hướng lái dư luận theo những luận điệu sai trái, từ đó có sai lầm trong nhận thức và hành động.

Quy định 41 đưa ra quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức và bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức. Đây là việc cụ thể hóa chủ trương tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu… đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, được Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ. Cùng với các quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm, Quy định 41 tạo điều kiện cho việc nêu cao văn hóa từ chức, văn hóa miễn nhiệm trong đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Việc BBC cố tình bẻ cong khái niệm “miễn nhiệm”, “từ chức” thành “hạ cánh an toàn” để xuyên tạc Quy định 41 là hành động suy diễn vô căn cứ, làm sai lệch hoàn toàn bản chất quy định này.

Phải nói thêm rằng, cán bộ đã từ chức, miễn nhiệm theo Quy định 41 vẫn có thể bị xử lý hình sự nếu cơ quan điều tra phát hiện ra sai phạm đến mức phải xử lý chứ không hề có sự “hạ cánh an toàn” như luận điệu của BBC và những bài viết khác trên các diễn đàn phản động.

Thứ nữa, Quy định 41 không nhằm “giúp Đảng giữ hình ảnh trong mắt công chúng” như BBC xuyên tạc. Hơn 94 năm kể từ khi ra đời, Đảng ta không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng tầm bản lĩnh và trí tuệ, ngày càng thật sự vững vàng về tư tưởng chính trị, thống nhất cao về ý chí, hành động, trong sạch về đạo đức, lối sống, chặt chẽ về tổ chức và gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng xây dựng các chỉ thị, nghị quyết, quy định về công tác cán bộ (trong đó có Quy định 41) không phải để tô vẽ hình ảnh, để Đảng “đẹp” hơn trong mắt nhân dân mà chính là thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm, vị thế, uy tín của Đảng trước nhân dân, trước vận mệnh của dân tộc. Đây là hoạt động “tự thân” phù hợp với quy luật vận động và phát triển, để Đảng ta không ngừng trưởng thành, lớn mạnh cùng đất nước, cùng dân tộc, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Trong hơn 2 năm qua, chúng ta đã chứng kiến việc Trung ương kiên quyết, kịp thời cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với một số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý có khuyết điểm, vi phạm; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác với hàng trăm trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý. Thực tế này cho thấy Đảng ta đã và đang thực hiện công tác cán bộ theo đúng phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra”, bất kể đó là ai và đang giữ chức vụ gì.

Việc triển khai thực hiện Quy định 41 góp phần củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc “nói đi đôi với làm”, làm nghiêm từ trên xuống, không có vùng cấm, không có vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền. Đây chính là minh chứng đanh thép để phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử xấu hòng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Chủ động ngăn chặn, quyết liệt đấu tranh

Khẳng định hiệu lực thi hành của Quy định 41 cũng như quyết tâm chính trị của Đảng ta trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, song chúng ta không được phép lơ là, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị.

Trong thời gian tới, nhất là từ nay đến trước Đại hội XIV của Đảng, các thế lực thù địch, phần tử xấu sẽ tiếp tục gia tăng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Chính vì vậy, chúng ta cần chủ động nhận diện, ngăn chặn, quyết liệt đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc công tác cán bộ cũng như các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ.

Để làm được điều đó, trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị để cán bộ, đảng viên và nhân dân có lập trường tư tưởng vững vàng; tăng cường tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, trong đó có các chỉ thị, nghị quyết, quy định về công tác cán bộ để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng quan điểm, chủ trương của Đảng. Một khi lập trường chính trị vững vàng; hiểu đúng, nắm chắc quan điểm, chủ trương của Đảng thì dù các thế lực thù địch, các phần tử xấu có xuyên tạc, kích động, lôi kéo như thế nào, cán bộ, đảng viên và nhân dân ta cũng không hề dao động, lung lay.

Thứ hai, cần chủ động tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, minh bạch về các mặt công tác lãnh đạo của Đảng để kịp thời định hướng dư luận, nhất là trước những vấn đề, sự kiện quan trọng, nhạy cảm. Đồng thời kịp thời dự báo, nắm bắt, nhận diện âm mưu, thủ đoạn, phương thức của các thế lực thù địch để chủ động có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, bịa đặt, xuyên tạc về công tác cán bộ hòng chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Thứ ba, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác cán bộ, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng về công tác cán bộ trong đó có Quy định 41. Mỗi cán bộ, đảng viên vừa phải là một “tỉnh táo viên” vừa phải là “tuyên truyền viên” tích cực để tuyên truyền đồng chí, đồng nghiệp và quần chúng nhân dân cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghiêm Quy định 41, làm tốt việc nêu gương trong thực hiện Quy định 41, nhất là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức; gắn với thực hiện các quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và gần đây nhất là Quy định 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ năm, thực hiện tốt việc đánh giá, sơ tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định về công tác cán bộ của Đảng; trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ về công tác cán bộ theo hướng cụ thể, rõ ràng, đồng bộ; xây dựng hệ thống văn bản quy định rõ tiêu chuẩn, trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí, nhất là đối với vị trí lãnh đạo, quản lý, làm cơ sở để đánh giá, theo dõi và phục vụ công tác kiểm tra, giám sát. Đó cũng là cơ sở để lựa chọn cán bộ thực sự “có đức, có tài” vào những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Có thể nói, cùng với các quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm, Quy định 41 đi vào cuộc sống thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tích cực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc Quy định 41 chính là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân để góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Một khi toàn Đảng đã thống nhất, lòng dân đã đồng thuận thì không thế lực nào, thủ đoạn nào có thể chống phá công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước.

BẢO VY

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phan-bac-luan-dieu-xuyen-tac-quy-dinh-41-ve-viec-mien-nhiem-tu-chuc-doi-voi-can-bo-5026126.html