Phản bác những cáo buộc thiếu căn cứ trong phúc trình tự do tôn giáo của tổ chức USCIRF

Đến hẹn lại lên, ngày 25/3 vừa qua, tổ chức Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế (US Commission on International Religious Freedom - USCIRF) đã tiếp tục công bố bản phúc trình năm 2025, đánh giá về tình hình tự do tôn giáo đối với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cần hiểu rằng, tổ chức USCIRF không phải là cơ quan thuộc Chính phủ của Mỹ nhưng có vai trò là cơ quan tư vấn cho Quốc hội đưa ra các quyết định liên quan đến chính sách của Mỹ đối với các nước trên thế giới, đồng thời đây cũng là nguồn thông tin tư vấn của Ngoại trưởng và Tổng thống Mỹ về chính sách đối ngoại, đặc biệt về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo toàn cầu. Tuy được coi là cơ quan tham vấn độc lập nhưng hoạt động của tổ chức USCIRF nhằm phục vụ cho chính quyền Mỹ.

Thông qua các báo cáo của tổ chức USCIRF và những tổ chức liên quan khác, Chính phủ Mỹ tập hợp, đánh giá và có thể coi đó là căn cứ để lên án, phê phán những nước mà họ cho là vi phạm dân chủ nhân quyền, từ đó buộc các nước phải tuân thủ theo “tiêu chuẩn Mỹ” đưa ra nếu không muốn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là hợp tác kinh tế quốc tế.

Từ năm 2000 đến nay, đã nhiều lần tổ chức USCIRF đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách “Các quốc gia đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo” (Country of Particular Concern - CPC) hoặc “Danh sách các nước cần chú ý về tự do tôn giáo-SWL” nhưng rất nhiều lần những đề nghị của tổ chức này không đạt mục đích bởi các đánh giá sai lệch, thiếu chứng cứ xác đáng, bị Việt Nam cũng như nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế phản ứng gay gắt những đánh giá có tính áp đặt, định kiến, mang tính chủ quan từ tổ chức USCIRF.

Các tôn giáo tại Việt Nam luôn được bảo đảm quyền tự do hoạt động trong môi trường ổn định, hòa hợp, bình đẳng, tuân theo pháp luật.

Các tôn giáo tại Việt Nam luôn được bảo đảm quyền tự do hoạt động trong môi trường ổn định, hòa hợp, bình đẳng, tuân theo pháp luật.

Trong bản phúc trình năm 2025 lần này, tổ chức USCIRF tiếp tục đưa ra những luận điểm sai lệch, thiếu căn cứ nhắm vào lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, bao gồm:

Một là, tổ chức USCIRF đã cáo buộc, đưa ra những luận điểm sai lệch về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Cụ thể, tổ chức này đã công khai rõ mục đích trong bản phúc trình năm 2025 là “Chỉ định Việt Nam là một trong 16 quốc gia nằm trong danh sách CPC”, trong khi Chính phía Mỹ đưa Việt Nam vào “Danh sách SWL” từ năm 2022 đến nay (mặc dù nhiều lần Việt Nam đã bác bỏ những cáo buộc thiếu căn cứ này). Việc USCIRF đơn phương xếp Việt Nam vào danh sách CPC cho thấy quan điểm mang tính định kiến, áp đặt của tổ chức này, trong khi quan hệ ngoại giao và quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai nước đang được đẩy mạnh lên tầm cao mới – quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Hai là, tổ chức USCIRF tìm cách bóp méo sự thật, diễn giải tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam theo hướng chủ quan, có chủ đích riêng và tìm cách lôi kéo, tập hợp những thành phần chống phá Việt Nam tạo thành liên minh công kích Việt Nam cả trong và ngoài nước. Điều này được thể hiện rõ trong nội dung của bản phúc trình năm 2025 khi họ đã cố tình đánh giá sai lệch về hoạt động của các tổ chức tôn giáo, chọc ngoáy vào những vấn đề mâu thuẫn, tồn tại phức tạp về an ninh, trật tự trong thời gian dài của các nhóm, tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân; hỗ trợ, bênh vực cho những cá nhân, tổ chức tôn giáo có hoạt động vi phạm pháp luật, tổ chức tà giáo, có yếu tố mê tín dị đoan, trục lợi, gây phức tạp trật tự công cộng.

Ngoài ra, tổ chức USCIRF lên tiếng vu cáo chính quyền Việt Nam trong cách thức quản lý, vận hành mô hình quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo, từ đó yêu cầu Việt Nam sửa đổi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 theo hướng có lợi cho những cá nhân, tổ chức tôn giáo hoạt động có yếu tố chính trị, cực đoan, vi phạm quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực, gây dư luận xấu trong cộng đồng xã hội.

Ba là, những nhận định, đánh giá sai lệch trong bản phúc trình năm 2025 của tổ chức USCIRF sẽ là cái cớ để các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, tổ chức phản động lưu vong ở bên ngoài vin vào nhằm gây sức ép, chống phá chính quyền Việt Nam. Tại Mỹ, một số chính khách thiếu thiện chí với Việt Nam (điển hình như Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, đảng Dân chủ, bang Maryland; dân biểu Christopher Smith, đảng Cộng hòa, bang New Jersey) đã lên tiếng ủng hộ kết luận của bản phúc trình, cổ súy cho những quan điểm lệch lạc, sai trái đối với tình hình tôn giáo tại Việt Nam.

Đặc biệt, sau khi bản phúc trình năm 2025 của USCIRF được công bố, tổ chức khủng bố “Ủy ban cứu trợ người vượt biển - BPSOS” đã đăng đàn trên các diễn đàn, hội luận trực tuyến, mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, kích động, chia rẽ khối đoàn kết giữa các tổ chức tôn giáo, gây mâu thuẫn giữa những người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo trong nước.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam đang có nhiều bước tiến về lĩnh vực nhân quyền, tự do tôn giáo, điều này được thể hiện ở một số thành tựu nổi bật như:

Dưới góc độ quản lý nhà nước về tôn giáo, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã không ngừng cải thiện về quy định pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và mô hình quản lý nhà nước về tôn giáo. Điều này được thể hiện rõ trong việc thống nhất, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân trong cả nước với các quy định tại Hiến pháp; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Nghị định số 95/NĐ-CP năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Mặt khác, mô hình quản lý nhà nước về tôn giáo đã có sự sắp xếp, linh hoạt nhằm phục vụ nhu cầu của cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện các yêu cầu đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở, đăng ký tư cách pháp nhân cho tổ chức tôn giáo, đăng ký đào tạo chức sắc, từ thiện nhân đạo trong tôn giáo… đều được quan tâm, rút ngắn thủ tục hành chính, tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh cho mỗi tổ chức tôn giáo trước pháp luật.

Ngoài ra, các sự kiện, lễ hội trong tổ chức tôn giáo đã và đang được sự quan tâm của chính quyền các cấp và người dân nhằm phát huy nguồn lực trong tôn giáo phát triển kinh tế, xã hội tại từng địa phương trong cả nước. Hàng năm, tại Việt Nam có khoảng hơn 14.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó nhiều lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo lớn có sức ảnh hưởng trong cộng đồng xã hội, thậm chí vươn mình ra nhiều nơi trên thế giới. Năm 2025, Việt Nam tiếp tục đăng cai tổ chức Đại lễ VESAK của Phật giáo (dự kiến tổ chức tháng 5/2025 tại thành phố Hồ Chí Minh), lễ hội yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Đài (tháng 8 hàng năm), lễ hành hương La Vang, Sở Kiện (Công giáo)…, đều có sức ảnh hưởng, thu hút hàng chục vạn tín đồ, người dân trong nước và khách quốc tế tham dự.

Sự lan tỏa về tự do tôn giáo còn được thể hiện trong việc tạo điều kiện để người nước ngoài khi đến Việt Nam du lịch, công tác, học tập có thể được tham gia sinh hoạt tôn giáo. Tính đến năm 2025, trong cả nước có hơn 70 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài với hơn 10.000 người thường xuyên tham dự các cuộc lễ và được chính quyền cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 100% các điểm nhóm.

Từ những con số, dữ liệu nêu trên về tình hình sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam thời gian qua là bằng chứng sống động, rõ ràng nhất phủ nhận, bác bỏ những luận điểm thiếu cơ sở, những cáo buộc phi lý trong “Phúc trình tự do tôn giáo năm 2025” do tổ chức USCIRF áp đặt với Việt Nam. Thiết nghĩ rằng, tổ chức USCIRF cần nghiêm túc xem xét, đánh giá lại những quan điểm của mình để phù hợp với tình hình thực tiễn đang diễn ra tại Việt Nam; đồng thời, tạo mối liên kết thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Mỹ với Việt Nam trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đi vào thực chất, theo chuẩn mực luật pháp quốc tế mà cả hai nước đã tham gia, ký kết, tôn trọng.

Nguyễn Xuân Thịnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/phan-bac-nhung-cao-buoc-thieu-can-cu-trong-phuc-trinh-tu-do-ton-giao-cua-to-chuc-uscirf-i763911/