Phản biện 'Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông'
Sáng 5/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (gọi tắt là Liên hiệp hội), đã tổ chức Hội thảo phản biện 'Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện từ năm học 2024-2025'.
Căn cứ vào dự thảo quy định và các tài liệu có liên quan được Sở Giáo dục và Đào tạo gửi đến Liên hiệp hội; ý kiến của các thành viên Hội đồng phản biện và các chuyên gia, Liên hiệp hội đã xây dựng thành báo cáo nghiên cứu (mang tính đề dẫn) phục vụ Hội thảo phản biện “Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện từ năm học 2024-2025”.
Về cơ bản dự thảo quy định đã nêu rõ về sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa đối với từng cấp học, và việc tổ chức thực hiện...
Tại hội thảo, các ý kiến thảo luận đều cơ bản thống nhất với sự cần thiết phải “Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thực hiện từ năm học 2024-2025”.
Đồng thời, các ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn các nội dung liên quan đến nội dung cơ bản của dự thảo quy định, nhất là phần quy định chung. Một số vấn đề cần được làm rõ như chương trình, nội dung sách giáo khoa và phương pháp dạy học, hình thức tổ chức các hoạt động dạy học đảm bảo phù hợp với năng lực sư phạm và trình độ giáo viên trở lên, vì liên quan đến việc đưa ra các quy định tiêu chí lựa chon sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội và điều kiện tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Về tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, đề nghị xem xét, sắp xếp thành 2 nhóm tiêu chí rõ ràng: Đặc điểm kinh tế trước, đặc điểm xã hội sau.
Ngoài ra, cần làm rõ một số vấn đề như: Sách giáo khoa có phù hợp với năng lực học sinh của địa phương hay không. Sách giáo khoa có hỗ trợ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá hay không và có phù hợp với điều kiện nhà trường, kinh tế - xã hội ở địa phương hay không.
Các ý kiến tham gia nhận xét, đánh giá của các thành viên Hội đồng khoa học phản biện và các nhóm chuyên gia sẽ là căn cứ để đơn vị xây dựng dự thảo quy định chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.