Phản biện quy hoạch Đà Nẵng: Phải có tầm nhìn 100 năm, đừng làm sai để phải phá bỏ di dời!
Tiến sĩ.KTS Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners đã thẳng thắn nói tại hội thảo phản biện Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do nhà tư vấn Surbana Jurong (Singapore) trình bày.
Tư vấn nói gì?
Ngày 8/11, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo phản biện Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhằm tìm ra những định hướng căn cơ cho Đà Nẵng trong giai đoạn phát triển mới.
Sự kiện có sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, các cơ quan trung ương, địa phương và các tổ chức tư vấn, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.
Trình bày tại hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn chiến lược cho Đà Nẵng - Công ty Surbana Jurong (Singapore) cho rằng, đến năm 2030, Đà Nẵng có 1,45 triệu người và tăng lên 1,97 triệu vào năm 2045. Mật độ dân số quá cao, tập trung vào khu vực dọc bờ biển như hiện nay sẽ không thể tạo môi trường tốt cho người dân.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chủ trì hội thảo phát biểu khai mạc
Trong khi đó, quỹ đất dành cho phát triển đô thị Đà Nẵng chỉ còn khoảng 17%, do đó thành phố cần làm đô thị nén cho khu vực trung tâm nhằm gia tăng không gian công cộng, đồng thời kiểm soát được nhà cao tầng và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng.
Sau năm 2030, Đà Nẵng cần phát triển đô thị mới về phía tây thuộc huyện Hòa Vang vốn chưa được phát triển. Đô thị mới sẽ có các chung cư, nhà cao tầng tựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển, dành cho những người mới nhập cư.
Bên cạnh đó, trong tương lai Đà Nẵng nên sẽ có hai vành đai kinh tế gồm phía nam (nông nghiệp công nghệ cao) và phía Bắc (công nghiệp và công nghệ thông tin). Khi đó, Đà Nẵng sẽ có một trung tâm đô thị chính như hiện tại và ba khu đô thị vệ tinh.
Đại diện của đơn vị tư vấn Singapore cũng nhấn mạnh, Đà Nẵng phải có liên kết với các vùng kế cận như tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi. Ví dụ về kinh tế biển, Đà Nẵng có lợi thế cảng biển, du lịch, nhưng nếu gắn kết với Quảng Nam, Quảng Ngãi sẽ tạo vùng kinh tế biển giàu sức cạnh tranh.
Muốn thế, nguồn nhân lực chất lượng cũng phải được quy hoạch cho cả vùng. Tuy nhiên, khi nói đến cảng biển, đại diện tư vấn cho rằng, hợp phần tư vấn chỉ điều chỉnh quy hoạch tổng thể, riêng đối với tư vấn cảng biển Tiên Sa không nằm trong hợp đồng của đơn vị tư vấn và Đà Nẵng, nên cần thể hiện ở một hợp đồng khác riêng biệt.
Cảng Tiên Sa đang trở thành tâm điểm của quy hoạch đô thị Đà Nẵng
Liên quan đến vấn đề mà tư vấn đưa ra, ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng cho rằng, cấu trúc đô thị chưa thật sự gắn kết phát triển theo vành đai, chưa đặt vấn đề vành đai dịch vụ du lịch, vành đai nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, vấn đề sân bay, đường sắt, cảng biển cũng những đề xuất phản biện làm rõ định hướng phát triển cho Đà Nẵng trong thời gian tới.
Một vấn đề nữa là giao thông ngầm, mô hình vận tải cũng cần được đưa ra xem xét đánh giá phản biện… "Vì những vấn đề trên có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển TP trong tương lai cũng như tầm nhìn dài hạn nên rất cần làm rõ"- ông Đặng Việt Dũng nói.
Bên cạnh những định hướng phản biện, ông Đặng Việt Dũng mong muốn các chuyên gia phân tích chi tiết, rõ ràng về đề xuất của tư vấn khi đưa ra mức tăng GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt 10,1% liệu có phù hợp; tỷ lệ tăng dân số 2,2% do tư vấn đề xuất, thấp hơn so với tỷ lệ thống kê 2,45% đã công bố;
Vấn đề lựa chọn cảng biển; vấn đề cấu trúc đô thị liệu đã phù hợp với định hướng phát triển các ngành nghề kinh tế; Đâu là lựa chọn tối ưu cho hình thái kiến trúc đô thị trên cơ sở phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị…
Phải có tầm nhìn 100 năm, đừng làm sai để phải phá bỏ di dời!
Phản biện nội dung tư vấn Surbana Jurong đưa ra, ông Maysho Prashad (Mỹ), người đã có 15 năm làm việc ở nhiều quốc gia liên quan tới quy hoạch đô thị cho rằng, cần xem xét đến kinh tế nhỏ lẻ hộ gia đình trong quá trình quy hoạch chung, vì đây là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, đối với quy hoạch cụm đô thi vùng núi phía tây cần chú ý đến mật độ xây dựng chiều cao công trình và cần giữ môi trường bền vững với những nghiên cứu tác động môi trường chi tiết.
Chuyên giao cao cấp Matsumura Shigehisa (hãng tư vấn Nikken) cho rằng cần cẩn trọng khi phát triển đô thị phía tây Đà Nẵng
Cũng theo vị chuyên gia này, Đà Nẵng cần xem xét kỹ và thiết kế phù hợp cảng biển thì chính cảng sẽ tạo ra giá trị gia tăng rất lớn cho Đà Nẵng. Đối với sân bay, cần có tư duy đột phá, táo bạo để tạo nên bản sắc riêng của Đà Nẵng với những phần đệm mềm kết nối sân bay và các khu vực lân cận.
Cũng phản biện về ý tưởng khu đô thị mới ở phía tây TP sau năm 2030, chuyên giao cao cấp Matsumura Shigehisa (hãng tư vấn Nikken) lưu ý, vùng đô thị mới có thể nhạy cảm về môi trường, sinh thái bởi huyện Hòa Vang có nhiều diện tích là rừng, đất nông nghiệp, đồi dốc mạnh và thường xuyên chịu lũ, ngập úng.
Chuyên gia này cũng cho rằng cần phải thận trọng vì mở rộng phía Tây sẽ có nhiều hoạt động đô thị diễn ra ở đây nên cần được kiểm soát mạnh mẽ việc xây dựng và phát triển.
Một góc sân bay Đà Nẵng
Khá bất ngờ khi đơn vị tư vấn không đề cập đến trụ cột quan trọng của Đà Nẵng đó là nông nghiệp sạch-nông nghiệp công nghệ cao, ông Olivier Soquet - Tư vấn Deso (Pháp) chia sẻ: “Tôi ngạc nhiên khi các bạn không chú ý nhiều đến nông nghiệp cho tương lai và khu vực phía tây (huyện Hòa Vang) rất tốt để phát triển nông nghiệp.
Tôi không thấy có lý do gì chọn mật độ dân cư cao ở khu vực đồi núi. Và nếu phát triển nông nghiệp tại đây sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch lần này chính là cái linh hồn của Đà Nẵng, nhưng tôi chưa thấy linh hồn của Đà Nẵng ở đâu và tôi rất buồn vì điều đó”.
Phản biện khá gay gắt với đề xuất mà đơn vị tư vấn đưa ra, Tiến sĩ - KTS Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners thẳng thắn, mặc dù đơn vị tư vấn đã tích hợp giao thông vùng, đường bộ, đường sắt cao tốc để tránh chia cắt.
Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn chưa xác định được trung tâm mới của TP nằm ở đâu. Riêng đề xuất phát triển đô thị cao tầng ở phía Tây không đi kèm với đánh giá được tác động đến môi trường là chưa thuyết phục. Ngoài ra, trong quy hoạch chưa nói đến quy hoạch đô thị sân bay có giải pháp giảm tiếng ồn cho đô thị.
Bên cạnh đó, báo cáo tư vấn vẫn chưa đưa ra những số liệu kinh tế để thuyết phục, chưa nói rõ chuyện quy mô của cảng biển nếu chỉ làm Tiên Sa, vấn đề bảo vệ môi trường vịnh Đà Nẵng chưa thật sự thuyết phục. Đặc biệt là giải pháp phát triển cảng Tiên Sa với đường sắt đi vào là hoàn toàn không tốt cho đô thị, ảnh hưởng rất lớn đến Đà Nẵng trong tương lai…
Tiến sĩ - KTS Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners phát biểu phản biện
“Đô thị Đà Nẵng rất đặc biệt, có núi biển sông và yếu tố nào cũng quan trọng, nhưng hai phần đặc biệt là đô thị ven sông lại quy hoạch rất mờ nhạt sông Cu Đê, cũng không có luận điểm nào thuyết phục. Tôi hơi bị sốc với đề xuất đô thị rất cao tầng ở phía Tây và nó lại không đi kèm với đề xuất về cụm thiên nhiên hay mặt nước, không gian xanh…
“Ngày nay tất cả đô thị trên thế giới đều đưa ra kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu và tích hợp vào quy hoạch, cái này tư vấn chưa đưa ra được. Quy hoạch phải có tầm nhìn 100 năm cho Đà Nẵng, mặc dù có những cái chúng ta chưa làm nhưng nên để đất dự trữ, đừng làm gì sai trái mà sau này phải phá bỏ di dời rất tốn kém” - Tiến sĩ - KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.