Phân biệt bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu

Bệnh đậu mùa khỉ đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Thời điểm này, bệnh thủy đậu cũng lưu hành rải rác trong nước. 2 bệnh này có biểu hiện chung là đều có bóng nước trên da. Để phân biệt và chủ động phòng ngừa, Bộ Y tế đã ban hành chẩn đoán phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với một số bệnh phát ban khác.

Người mắc bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu có biểu hiện chung là đều có bóng nước trên da.

Cụ thể, đối với bệnh đậu mùa khỉ, nốt ban gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân; có thể gặp ở niêm mạc mắt, miệng. Ban xuất hiện cùng thời điểm. Nốt phỏng nước đơn lẻ, hoặc có thể tạo thành đám tổn thương trên da. Ban tiến triển chậm, kích thước trung bình 5 - 10 mm với thời gian tồn tại từ 2 đến 4 tuần. Một số biểu hiện khác có thể gặp là người bệnh thấy sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Sau khi khỏi có thể để lại sẹo rỗ.

Đối với bệnh thủy đậu, ban xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, rồi lan ra khắp cơ thể. Ban xuất hiện vào những khoảng thời gian khác nhau (không cùng thời điểm). Ban tiến triển nhanh, kích thước trung bình từ 5 đến 10 mm, thời gian tồn tại từ 1 đến 2 tuần. Một số biểu hiện khác là sốt, mệt mỏi, sau khi khỏi có thể để lại sẹo lõm nông.

Cách phòng bệnh:

Một số biện pháp phòng ngừa chung để tránh lây nhiễm đậu mùa khỉ, gồm:

- Tránh tiếp xúc với người/động vật có thể bị bệnh (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).

- Tránh tiếp xúc với vật dụng, bề mặt có nguy cơ nhiễm vi rút đậu mùa khỉ như khăn trải giường, quần áo người bệnh.

- Đưa người bệnh đến cách ly, điều trị tại cơ sở y tế.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường sau khi tiếp xúc với người/động vật nghi ngờ nhiễm bệnh.

- Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ, cần báo cho cơ quan y tế để được hướng dẫn xử trí kịp thời.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359531-phan-biet-benh-dau-mua-khi-va-thuy-dau