Phân biệt bệnh do virus corona chủng mới và cảm cúm thông thường

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) và cảm cúm thông thường có những dấu hiệu khá tương đồng khiến nhiều người chủ quan và không phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời.

Nhân viên Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn cách đeo và tháo bỏ khẩu trang N95 cho nhân viên y tế tại lớp tập huấn cách chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng hộ cá nhân bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Ảnh: G.Nhi

Nhân viên Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn cách đeo và tháo bỏ khẩu trang N95 cho nhân viên y tế tại lớp tập huấn cách chẩn đoán, điều trị và các biện pháp phòng hộ cá nhân bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona. Ảnh: G.Nhi

Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, bác sĩ CKI Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai chia sẻ những điểm cần chú ý để nhận biết bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV và cảm cúm thông thường, nhằm giúp người dân chủ động phòng tránh, phát hiện bệnh kịp thời.

* Phân biệt bệnh do nCoV và cảm cúm thông thường

Bác sĩ Đồng Minh Hùng cho biết về phương diện lâm sàng, biểu hiện các triệu chứng và các xét nghiệm thường quy (xét nghiệm máu, X-quang phổi…) thì bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV và cảm cúm thông thường đều có biểu hiện: sốt, ho, chảy nước mũi, tức ngực.

Để phòng bệnh, người dân nên dùng khăn giấy che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt giấy vào thùng rác; hạn chế chạm vào mắt, mũi, miệng khi tay bẩn; không tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng với người có triệu chứng của bệnh cảm như: sốt, ho, sổ mũi, hoặc đau nhức; làm sạch, khử trùng các vật và bề mặt thường xuyên chạm vào; tăng sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường chất đạm, rau xanh, bổ sung thêm vitamin C, tập luyện thể dục thể thao và nghỉ ngơi hợp lý.

nCoV là một loại virus đường hô hấp có khả năng lây nhiễm cao như virus cúm, nhưng chúng có khả năng gây viêm phổi nặng. Nếu như cảm cúm, sốt thông thường không mắc phải những nhiễm trùng nghiêm trọng, cơ thể sẽ đỡ dần nếu được điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Thậm chí nhiều trường hợp không cần dùng thuốc, chỉ nghỉ ngơi và uống đủ nước, cảm cúm sẽ dần thuyên giảm trong vòng 3-5 ngày.

Tuy nhiên, nếu bị nhiễm nCoV, việc uống thuốc thông thường sẽ không làm tình trạng bệnh đỡ hơn. Bên cạnh việc thân nhiệt tăng cao bất thường, nCoV sẽ tấn công mạnh vào hệ hô hấp, gây viêm phổi nên dẫn đến tình trạng thiếu oxy, khó thở rõ rệt, đây là một dấu hiệu mà cảm cúm thông thường không có. Đặc biệt ở những cơ địa suy giảm miễn dịch (HIV), suy giảm sức đề kháng, những người có bệnh mạn tính (suy tim, suy thận, tiểu đường, bệnh phổi mạn tính…) tình trạng bệnh càng nặng hơn và gây tử vong cao.

Ngoài các triệu chứng lâm sàng, cần chú ý đến vấn đề dịch tễ để có thể nhận biết và nghi ngờ mắc nCoV. Ở thời điểm hiện tại nếu những người có đi đến, du lịch, sinh sống từ vùng dịch trở về (Trung Quốc nói chung và tỉnh Hồ Bắc nói riêng) hoặc có tiếp xúc với những người từ vùng dịch về hay trực tiếp chăm sóc, ở chung với những bệnh nhân đã được xác đinh bị viêm đường hô hấp cấp do nCoV thì phải nghĩ tới đây là bệnh cảnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Nếu không có yếu tố dịch tễ thì khả năng là cúm mùa.

* Người dân cần chủ động phòng bệnh

Dịch bệnh viêm đường hô hấp do nCoV hiện đang diễn biến phức tạp khiến người dân không khỏi lo lắng. Trước tình trạng này, bác sĩ Đồng Minh Hùng khuyến cáo người dân khi có bất cứ triệu chứng nào giống như cảm cúm thông thường hoặc do nCoV, không nên chủ quan mà hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn và điều trị.

Đối với những người có yếu tố dịch tễ như: có đi đến, sinh sống từ vùng dịch trở về (Trung Quốc) hoặc có tiếp xúc với những người từ vùng dịch về hay trực tiếp chăm sóc, ở chung với những bệnh nhân đã được xác định bị viêm đường hô hấp cấp do nCoV nếu có biểu hiện lâm sàng thì nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị càng sớm càng tốt. Còn nếu khỏe mạnh bình thường thì phải tự cách ly nhằm hạn chế lây lan cho gia đình và những người xung quanh và theo dõi trong vòng 14 ngày. Sau 14 ngày nếu sức khỏe ổn, không sốt thì có thể yên tâm.

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV lây chủ yếu qua đường hô hấp, để phòng bệnh người dân nên tránh đi du lịch đến vùng nghi ngờ có xảy ra dịch bệnh; không đến những nơi tập trung đông người. Khi cần thiết phải tới nơi đông người thì phải đeo khẩu trang; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

Gia Nhi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202002/phan-biet-benh-do-virus-corona-chung-moi-va-cam-cum-thong-thuong-2986274/