Phân biệt đối xử người mắc Covid-19 sẽ phải vào tù
BPO - Trong cuộc sống không ai mong muốn mình bị mắc Covid-19, không ai chủ động hay cố tình để trở thành F0 hay F1 và cũng chẳng ai muốn mình rơi vào tình cảnh vừa mắc bệnh lại vừa bị người khác phân biệt đối xử, thậm chí là kỳ thị. Thế nhưng thực tế cho thấy, qua mỗi đợt dịch thì những người bị phân biệt đối xử lại nhiều thêm. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, phân biệt đối xử là hành vi tạo ra sự phân biệt một cách sai trái giữa con người với nhau dựa trên đặc điểm của nhóm, tầng lớp xã hội hay các đặc điểm xã hội khác mà cá nhân được cho là thuộc về. Phân biệt đối xử có thể dựa trên các cơ sở như giới tính, độ tuổi, xu hướng tính dục và bản dạng giới, quốc tịch, màu da, tôn giáo, sắc tộc, địa vị kinh tế, địa vị xã hội, ngôn ngữ, tầng lớp, nguồn gốc sinh thành và những cơ sở khác… Việc phân biệt đối xử đặc biệt rõ ràng khi một cá nhân hay một nhóm bị đối xử kém các cá nhân hay nhóm khác một cách không công bằng…
Trong lĩnh vực y học và cụ thể là đối với tình hình dịch Covid-19 hiện nay, sự phân biệt đối xử hay kỳ thị là hành vi sẽ làm tổn thương mọi người bằng cách tạo thêm sự sợ hãi hoặc tức giận đối với người bình thường thay vì tập trung vào bệnh đang gây ra vấn đề. Sự kỳ thị cũng có thể khiến người ta dễ giấu triệu chứng hoặc giấu bệnh hơn, khiến họ không tìm được sự chăm sóc y tế tức thì và cản trở người ta áp dụng các hành vi giữ gìn sức khỏe. Điều này có nghĩa là phân biệt đối xử, kỳ thị có thể khiến việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh bùng phát còn khó khăn hơn. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, sự kỳ thị bệnh nhân nhiễm Covid-19 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, cảm xúc và tâm thần của các nhóm người bị kỳ thị và cộng đồng nơi họ sinh sống. Những người bị kỳ thị có thể bị cô lập, trầm cảm, lo âu hoặc bị bêu xấu ở nơi công cộng. Việc ngăn chặn sự kỳ thị là rất quan trọng để giúp mọi người trong cộng đồng được an toàn và mạnh khỏe hơn.
Thực tế cho thấy, tình trạng trốn khai báo y tế, khai báo không trung thực hoặc chủ quan, lơ là với dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều nơi khiến nguy cơ dịch lây lan nhanh. Nguyên nhân của những hành vi này thường là do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, chủ quan khi có biểu hiện bệnh và trong đó có nguyên nhân do sợ bị xã hội phân biệt đối xử, kỳ thị nếu không may mắc Covid-19. Lẽ ra thay vì họ được chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ vì chẳng may mắc bệnh thì họ lại phải hứng chịu lời ra, tiếng vào, thậm chí là sự hắt hủi, xúc phạm. Sự phân biệt đối xử, kỳ thị không chỉ đến với người mắc Covid-19 mà còn đối với cả người thân của họ. Từ đó dẫn đến người mắc Covid-19 bị ám ảnh bởi cảm giác tội lỗi đã làm lây lan dịch bệnh cho hàng xóm, láng giềng và những người tiếp xúc gần, khiến một bộ phận dân cư bị cách ly, mọi công việc, hoạt động bị đình trệ.
Cũng chỉ vì sợ hàng xóm, láng giềng gièm pha nên khi có triệu chứng ho, khó thở, nhiều người không dám ra trạm y tế để khám hoặc có những F1, F2 từng không dám khai báo y tế. Rõ ràng, tâm lý kỳ thị đã làm giảm hiệu quả của công tác phòng dịch. Nguy hiểm hơn là có những cá nhân còn bị tung tin đồn thất thiệt, nhiều trường hợp bệnh nhân bị cộng đồng mạng săn lùng, suy diễn để thu hút sự chú ý. Khi các thông tin cá nhân bị công khai như vậy đã gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Vậy hành vi phân biệt đối xử hay kỳ thị đối với người mắc Covid-19 sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào? Trước hết phải khẳng định rằng, hành vi này là vi phạm pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý hành chính, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự, có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.
Cụ thể, đối với hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị là tung tin thất thiệt về người mắc Covid-19 hoặc người trở về từ vùng dịch, từ đó khiến cộng đồng có cái nhìn không đúng, dẫn đến xa lánh, ảnh hưởng uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 đến 300 ngàn đồng đối với hành vi: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Hiện nay, cả nước nói riêng và thế giới nói chung đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để phòng, chống đại dịch Covid-19. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp, nguy hiểm. Thậm chí, ở nhiều địa phương trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới, dịch Covid-19 chẳng những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu tăng cả số người mắc và tử vong. Vẫn biết rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là trong đó có nguyên nhân từ sự ứng xử của cộng đồng đối với người là F0 - đó là sự phân biệt đối xử, kỳ thị.
Nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, về tội làm nhục người khác, với mức phạt cao nhất lên đến 5 năm. Ngoài ra, hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 còn có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng (từ 10 đến 20 triệu đồng đối với tổ chức) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật”.
Những người không may bị nhiễm Covid-19 không làm gì sai cả, do đó đừng đối xử khác với họ. Bởi vì, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với họ không chỉ là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan mà còn mang lại hệ lụy pháp lý khó lường đối với những người có hành vi vi phạm này.