Phân biệt giữa cảm lạnh với cảm cúm
Khi thời tiết giá lạnh, nhiều người thường gặp phải những vấn đề về sức khỏe như các bệnh về hô hấp, nhiễm khuẩn... Trời lạnh cũng tạo điều kiện để cảm lạnh và cúm vào mùa.
Các triệu chứng của cảm cúm thông thường và cảm lạnh hay khiến chúng ta bị nhẫm lẫn. Vậy làm thế nào để biết bạn đang mắc bệnh cảm cúm hay cảm lạnh?
Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm
Sốt. Với bệnh cúm, sốt sẽ rất cao, tuy nhiên nếu chỉ bị cảm lạnh, dấu hiệu ban đầu sẽ không sốt. Sốt còn là triệu chứng của rất nhiều căn bệnh khác như viêm đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nếu chỉ phân biệt giữa cảm lạnh và cảm cúm thì sốt thường xuất hiện ở bệnh cúm nhiều hơn.
Đau nhức. Nhức mỏi là dấu hiệu khác liên quan đến cúm, nếu xuất hiện sốt cao kèm đau đầu, hãy lập tức nghĩ ngay đến bệnh cúm. Người bệnh cần đề phòng lây lan cho người khác vì bệnh cúm rất dễ lây do tiếp xúc thông thường. Ở người bị cảm lạnh, đau nhức cơ thể rất ít khi xảy ra, nếu có sẽ xuất hiện ngay lập tức chứ không phải sau một vài ngày và dai dẳng như bệnh cúm.
Cảm giác ớn lạnh. Đây là điểm đặc trưng để phân biệt giữa cảm cúm và cảm lạnh. Nếu thấy ớn lạnh thì đó là triệu chứng của cúm bởi ớn lạnh là kết quả của một cơn sốt. Mà sốt lại không liên quan đến cảm lạnh. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nếu thấy ớn lạnh, kèm theo sốt cao cần đến ngay cơ sở y tế để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Mệt mỏi. Nếu đột nhiên bạn cảm thấy đau nhức người kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi thì rất có thể bạn mắc cúm.
Hắt hơi. Các triệu chứng như hắt hơi, nói bằng giọng mũi do nghẹt mũi thì rất có thể là khi bạn bị cảm lạnh. Cảm lạnh thường khiến nước mũi chảy nhiều hơn, bị nặng nước mũi sẽ có màu xanh hoặc vàng do mũi đã bị nhiễm trùng.
Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi là một trong số ít các triệu chứng khó phân biệt nhất giữa 2 loại bệnh, tuy nhiên nếu chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi hãy nghĩ đến cảm lạnh đầu tiên, tuy nhiên những triệu chứng này cũng có khi xuất hiện ở cảm cúm.
Khó chịu, bứt rứt. Khi cơ thể cảm thấy không thoải mái, khó chịu với tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi, nặng có thể đau họng - đó chỉ là cảm lạnh. Nhưng nếu bị cúm, người bệnh sẽ kèm theo mệt mỏi, sốt và không muốn làm bất cứ việc gì.
Cúm và cảm lạnh lây truyền như thế nào?
Cả cúm mùa và cảm lạnh đều là những bệnh truyền nhiễm lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp một cách trực tiếp qua dịch tiết ở đường hô hấp thông qua ho, hắt hơi, nói chuyện, đụng chạm, nhất là khi bàn tay trẻ dính chất tiết có virus của người bệnh sau đó trẻ đưa lên miệng, mũi, mắt... Cũng có thể do hít phải giọt tiết (nước bọt, nước mũi) của người bệnh có chứa virus lơ lửng ngoài môi trường, hay gián tiếp đụng chạm vào các bề mặt (bàn, đồ chơi…) có dính dịch tiết của người bệnh, sau đó trẻ đưa tay lên mũi, miệng, mắt. Cảm lạnh và cúm mùa có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường gặp là vào mùa khô lạnh như mùa đông hay cuối đông đầu xuân.
Phòng bệnh như thế nào?
Để phòng bệnh chung cho cả cảm lạnh thông thường và cúm mùa thì trước tiên cần phải nâng cao sức đề kháng bằng dinh dưỡng. Bổ sung dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước. Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn. Thường xuyên cọ rửa sàn nhà, đồ chơi, vệ sinh núm vú giả. Giáo dục trẻ không ngậm tay hay mút đồ chơi. Tránh không tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh: sốt, ho, sổ mũi...
Trong mùa dịch bệnh, nên hạn chế cho trẻ tới nơi đông người. Đối với người lớn, khi ở nơi đông người về thì cần vệ sinh sạch sẽ, thay quần áo trước khi tiếp xúc với trẻ. Tiêm ngừa vaccine cúm mùa: tiêm cho trẻ sau 6 tháng tuổi. Trẻ dưới 9 tuổi tiêm 2 liều cách nhau tối thiểu 4 tuần. Trẻ từ 9 tuổi trở lên: tiêm 1 liều. Tiêm nhắc lại mỗi năm, vì virus cúm thay đổi kháng khuyên hàng năm. Nên tiêm đón đầu trước mùa bệnh 1-2 tháng.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/phan-biet-giua-cam-lanh-voi-cam-cum/838676.antd