Phân biệt măng 'tắm' hóa chất và măng sạch
Trên thị trường, những loại măng ngâm hóa chất được bày bán tràn lan khiến người tiêu dùng hoang mang. Vậy làm sao để phân biệt măng ngâm hóa chất.
Măng là thực phẩm có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và có giá trị dinh dưỡng tương tự như rau tươi. Trong măng có chất glucid, muối khoáng, vitamin và chất xơ tốt cho sức khỏe.
Nếu măng ngâm thường, không chất bảo quản thì người nội trợ có thể yên tâm khi chế biến. Theo đúng quy trình, măng tươi sau khi thu hoạch sẽ được luộc kỹ qua nhiều lần nước, lửa phải đều và ngâm khoảng 2 ngày thì măng mới mềm, chua, ngon ngọt hết đắng.
Nhưng nay người buôn măng chỉ cần cho măng “tắm” trong nước pha hóa chất, măng luộc từ màu trắng đục sẽ chuyển sang màu vàng bắt mắt. Ngoài ra có một số loại hóa chất có thể giúp măng chua ngon, giòn mềm và có thể để được đến 2 năm mà không lo thối và bán khi trái vụ. Đặc biệt loại hóa chất này không chỉ chống thối cho măng mà còn có tính năng “tắm trắng kỳ diệu” biến măng thâm đen thành măng trắng sau 1 giờ. Muốn măng càng trắng và mềm thì bỏ nhiều hóa chất hơn.
Hóa chất dùng tẩy trắng măng vô cùng độc hại, có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gan, mật, hệ hô hấp. Chúng gây độc từ từ, khó nhận biết, tích tụ dần rồi mới gây bệnh.
Dưới đây là một số cách phân biệt măng ngâm hóa chất và măng sạch.
Màu sắc bên ngoài
Theo một số tiểu thương buôn măng tươi, cách dễ nhất để nhận biết măng ngâm hóa chất là có măng màu trắng nhợt nhạt, hoặc màu vàng sẫm do măng được ngâm với bột măng (màu vàng). Còn măng tươi tự nhiên thường được ngâm muối nên có màu hơi thâm đen hoặc có màu vàng tươi nhạt.
Độ giòn
Măng ngâm hóa chất ăn ngọt ngon và giòn hơn măng tươi tự nhiên, dễ bị gãy vụn. Còn măng tự nhiên do ngâm muối nên dai hơn, không dễ gãy khi bẻ.
Độ bóng
Măng ngâm hóa chất thường có độ bóng, trông bắt mắt, không bao giờ bị ẩm mốc và thối khi để lâu. Bên cạnh đó những cọng măng không ngâm hóa chất thường cái to cái nhỏ, không có độ bóng và nhìn không bắt mắt.
Ngửi mùi măng
Khi chọn măng, những bà nội trợ cũng nhớ gửi mùi măng, Nếu ngửi thấy mùi hóa chất hoặc măng không có mùi chua tự nhiên của măng thì không nên mua.
Đối với măng khô, khi măng được sấy bằng lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trưng của măng ngâm lưu huỳnh. Khi ngửi sẽ có mùi SO2 rất đặc trưng (mùi diêm sinh). Mua măng khô hãy chọn loại có màu nâu vàng, vàng đậm, chọn mua những miếng măng có kích cỡ nhỏ sẽ giúp bạn hạn chế được thời gian luộc và làm mềm măng.
Ngược lại, măng không tẩm hóa chất còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ.
Mẹo để giảm độc tố trong măng
Bóc hết vỏ măng, cắt thành lát mỏng hoặc xé nhỏ thành sợi đem ngâm vào nước sạch qua đêm cho bớt độc rồi rửa lại trước khi chế biến thành các món ăn.
Với các loại măng đắng nên ngâm bằng nước vôi trong luộc bỏ vài lượt để bỏ bớt những nước đầu cho tới khi thấy nước trong rồi mới đem chế biến. Trong khi luộc, nấu nên mở vung cho chất độc bay hơi.
Cho nước gạo vào ngập hết măng. Đun lửa vừa, khi thử thấy măng mềm thì tắt lửa. Chờ măng nguội, rồi xả lại vài lần bằng nước sạch. Măng sẽ không còn vị đắng, bạn có thể đem chế biến món ăn mà mình yêu thích.
Trước khi sấy hoặc phơi măng khô nên ngâm qua nước muối, lúc sử dụng để chế biến thành các món ăn nên chần lại bằng nước nóng hoặc luộc lại càng tốt.Muối măng chua cũng là mộtbiện pháp là giảm tính độc của măng.