Phân biệt rõ hơn mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích kinh tế đơn thuần

Tại phiên thảo luận tổ sáng nay, một số đại biểu Quốc hội nhận định, phạm vi quy định về dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng còn rộng, chưa cụ thể tiêu chí. Do đó, cần tiếp tục phân biệt rõ hơn mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích kinh tế đơn thuần để minh bạch trong việc thu hồi đất, tránh bị lạm dụng, gây bức xúc, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện của người dân.

Cần bảo đảm cao nhất chất lượng dự thảo Luật

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai hiện hành, vì sau gần 8 năm thực thi đã phát sinh nhiều vấn đề. Đặc biệt, Nghị quyết số 18-NQ/TW với 5 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi pháp luật về đất đai đã là cơ sở chính trị quan trọng cho việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013.

Quang cảnh buổi thảo luận tổ 7 (Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp). Ảnh: Quang Khánh

Quang cảnh buổi thảo luận tổ 7 (Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Nam, Đồng Tháp). Ảnh: Quang Khánh

Một số ĐBQH cũng nhấn mạnh, việc nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật Đất đai là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm nhằm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5.11.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

ĐBQH Lê Quốc Phong (Đồng Tháp) nhất trí việc Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy trình tại 3 Kỳ họp, thậm chí, phải làm quyết liệt, kỹ lưỡng mới bảo đảm đủ chất lượng để trình Quốc hội xem xét thông qua ở Kỳ họp thứ Sáu.

Cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát dự thảo Luật với 112 luật, bộ luật có quy định liên quan về đất đai và đề xuất phương án xử lý trong trường hợp phát sinh mâu thuẫn, chồng chéo. Ghi nhận sự nỗ lực này, các đại biểu cũng lưu ý, một số dự án luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu… cũng đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Do vậy, trong quá trình soạn thảo, xem xét các dự luật này cần bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa dự thảo Luật Đất đai và các dự thảo luật khác có liên quan, đáp ứng mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

ĐBQH Đỗ Đức Duy (Yên Bái) cho rằng, cần tách khỏi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) các chính sách liên quan như: chính sách hỗ trợ nhà ở với người có công hay giao đất không thu tiền sử dụng đất trong một số trường hợp… để tránh mâu thuẫn, xung đột lợi ích lớn, khó giải quyết được.

Quy định cụ thể hơn tiêu chí, điều kiện với từng trường hợp thu hồi đất

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định về dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, phạm vi quy định còn rộng, chưa cụ thể tiêu chí, cần phân biệt rõ hơn giữa mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích kinh tế đơn thuần để minh bạch trong việc thu hồi đất, tránh bị lạm dụng, gây bức xúc cho người sử dụng đất, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. ĐBQH Khang Thị Mào (Yên Bái) đề nghị, cần rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Nghị quyết số 18-NQ/TW đã yêu cầu quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cũng nhận thấy, khái niệm thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội là một khái niệm rất rộng, đòi hỏi phải quy định cụ thể hơn về các tiêu chí này. Đối với các trường hợp được liệt kê tại Điều 86, đại biểu cũng cho rằng, cần rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính chính xác, phù hợp, tránh lạm dụng trong áp dụng thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung cũng lưu ý, quy định Nhà nước thu hồi đất đối với dự án khu đô thị, khu nhà thương mại cần được cân nhắc lại, nên áp dụng theo cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Cùng quan điểm này, các ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) lưu ý, các dự án nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Dự án nhà ở thương mại khó và không có cơ sở rõ ràng để xác định có thuộc phạm vi phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không để quy định thành trường hợp Nhà nước thu hồi đất, dẫn đến dễ bị lợi dụng, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện gia tăng.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/phan-biet-ro-hon-muc-dich-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vi-loi-ich-quoc-gia-cong-cong-va-muc-dich-kinh-te-don-thuan-i305813/