Phân biệt sữa và nước giải khát có chứa sữa
Nhiều người cứ nghĩ sữa là tốt rồi, lại bổ sung thêm trái cây, có nghĩa là sữa có thêm trái cây chắc chắn tốt hơn, hay sữa bổ sung ca cao, thêm sô-cô-la… Tuy nhiên, khi con người luôn nghĩ thêm một cái gì có nghĩa là tốt hơn, đó chính là 'bẫy'.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân, thiếu máu,…nước ta ở mức cao so với thế giới. Cụ thể, Việt Nam là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng cao nhất. Ngoài ra, từ khảo sát dinh dưỡng Đông Nam Á (SEANUTS II), một trong những nghịch lý đáng báo động là 90% trẻ em ăn sáng nhưng đến 50% trẻ không đáp ứng nhu cầu vi chất dinh dưỡng cần thiết.
Thực tế, ngoài yếu tố gen không thể tác động, dinh dưỡng chiếm đến 32% vai trò ảnh hưởng đến sự phát triển của một con người. Sữa đóng vai trò quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của trẻ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu hụt canxi và các vi chất cần thiết. Tuy nhiên, thiếu hụt dinh dưỡng có nhiều dạng và không phải lúc nào cũng dễ chẩn đoán. Rất ít phụ huynh tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về tình trạng dinh dưỡng của con.
Hiện nay, trên thị trường nước ta xuất hiện rất nhiều thương hiệu nước giải khát gắn mác "sữa" với rất nhiều loại, hình thức và công dụng quảng cáo khác nhau. Theo đó, các phụ huynh dễ rơi vào "mê hồn trận" của các sản phẩm này để rồi vô tình mắc hàng loạt “Bẫy dinh dưỡng”: Bẫy nhãn mác, bẫy quảng cáo, bẫy lựa chọn tốt hơn...
Tại tọa đàm "Bẫy dinh dưỡng của trẻ em Việt: Làm sao chọn sữa chuẩn cho con?" do Báo Sức khỏe & Đời sống vừa tổ chức, liên quan đến việc chọn sản phẩm chứa sữa cho trẻ, các khách mời tọa đàm đã chỉ ra "bệnh tâm lý" của đa số cha mẹ Việt Nam: Nhiều người cứ nghĩ sữa là tốt rồi, lại bổ sung thêm trái cây, có nghĩa là sữa có thêm trái cây chắc chắn tốt hơn, hay sữa bổ sung ca cao, thêm sô-cô-la… Tuy nhiên, khi con người luôn nghĩ thêm một cái gì có nghĩa là tốt hơn, đó chính là "bẫy".
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Nhiễm khuẩn TPHCM bày tỏ: "Khá nhiều phụ huynh chưa phân biệt được sữa nuôi và nước giải khát có chứa sữa để uống chơi”.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2010/BYT, đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành, sữa tươi, sữa hoàn nguyên, sữa hỗn hợp phải có độ đạm đạt 2,7gr/100ml sữa.
Đại diện một thương hiệu sữa cho biết: Rõ ràng đang có hiện tượng đánh tráo khái niệm, một số nhà sản xuất và nhà cung cấp thu nhỏ những thông tin dinh dưỡng quan trọng lại và phóng to những thông tin khác để gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ví dụ phóng to chữ sữa nhưng ở nhãn phụ thực ra độ đạm chỉ có 0,2 gr hoặc 0,3-0,5 gr chứ không được 2,7 gr theo quy chuẩn của Nhà nước.
Chị Uyên Bùi (Hà Nội) là người tiêu dùng kỹ tính, có kiến thức về dinh dưỡng. Chị thường xuyên mua sữa cho con, song vẫn nhầm lẫn về tỉ lệ sữa trong sản phẩm. Chị Uyên Bùi chia sẻ: “Chính tôi sau một thời cho con uống nước uống dinh dưỡng đã vô tình nhận ra: thức uống đó là nước chứa cacbohiđrat rất cao, sữa chỉ chiếm 5%, đạm của nó chỉ có khoảng 0,3gr. Vậy mà trên bao bì, các sản phẩm vẫn in to từ “sữa”, khiến người mua hiểu nhầm”.
Theo các chuyên gia, “bẫy dinh dưỡng” trên nhãn sữa đã “câu” được nhiều người tiêu dùng trong một thời gian dài. Chủ yếu lợi dụng tâm lý của người mua: cứ thấy chữ “sữa” được in trên bao bì thì nghĩa đó là “sữa thật”, đúng quy chuẩn của Bộ Y tế, từ đó dễ dàng bỏ qua bước kiểm tra thành phần - vốn luôn công khai trên bao bì.
“Hầu hết các loại nước giải khát gắn mác “sữa” thường in chữ “sữa” rất to, cực kì bắt mắt, nhưng thành phần khác biệt. Phụ huynh nên kiên nhẫn đọc đến thành phần để chọn sản phẩm tốt nhất cho con”, chuyên gia cho biết thêm.