Phân biệt vùng miền trên mạng xã hội - hành vi phản văn hóa
Mạng xã hội thời gian qua xuất hiện những phát ngôn phân biệt, chia rẽ vùng miền, kéo theo nhiều tranh cãi, mâu thuẫn trong dư luận.
“Bôi xấu” vùng miền để “câu like”
Cách đây không lâu, một tài khoản TikTok có tên Nhật Hải Biết Tuốt đã đăng tải clip tên “Giật bim ở Sài Gòn”, quay cảnh nhóm thanh niên đang giật túi bim bim trên địa bàn một quận ở TP Hồ Chí Minh. Trong clip, Nhật Hải Biết Tuốt có nhiều phát ngôn phản cảm, “gây sốc” như: “Ở Sài Gòn ấy thân ai biết người đó, kể cả thấy cũng mặc kệ... nên Sài Gòn là nơi cực kỳ lý tưởng cho tội phạm hoạt động. Vì sao ở Sài Gòn trộm cắp nhiều như vậy, thì điểm cốt lõi nhất là do văn hóa...”.
Clip này đã khiến cộng đồng mạng sôi sục. Không chỉ người dân TP Hồ Chí Minh bức xúc, người dân nhiều nơi khác cũng bày tỏ ý kiến “không thể chấp nhận” được những ý kiến phiến diện, bôi xấu vùng miền này.
Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt TikToker Nhật Hải Biết Tuốt (tên thật Nguyễn Nhật Hải) số tiền 7,5 triệu đồng. Theo cơ quan chức năng, hành vi của nam tiktoker là cung cấp, đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân.
Trước đó, một tài khoản Tiktok tên H.M cũng đã đưa những thông tin mang tính phân biệt vùng miền tương tự. Trong một clip đăng tải vào năm 2022 với tựa đề “Bạn nghĩ sao về người miền Trung”, H.M đã có nhiều câu nói sai sự thật, kém văn hóa, xúc phạm người dân miền Trung như “người miền Trung rất keo kiệt và bủn xỉn, hà tiện, khôn lỏi, lúc nào cũng nghĩ cho bản thân, gia đình của họ trước, không có tinh thần xã hội, không có tinh thần đất nước… nên miền Trung rất kém phát triển so với những miền còn lại…”. Sau khi đăng tải, video nhanh chóng đạt hơn 4 triệu lượt xem, được ồ ạt chia sẻ, gây ra nhiều dư luận xấu trong xã hội. Khi được cơ quan công an triệu tập, Tiktoker này đã thừa nhận mục đích của bản thân khi sản xuất ra clip nói trên là cố ý tìm một chủ đề gây sốc để “câu like”, thu hút người xem kênh Tiktok của mình...
Cần chế tài xử phạt
Thực tế, phát ngôn phân biệt vùng miền trên mạng xã hội khá nhiều. Cộng đồng mạng từng sôi sục vì nhiều clip, bài viết có thông tin sai lệch, bôi xấu các vùng, miền, tỉnh, thành của đất nước, như các bài viết chê bai phụ nữ miền Tây, clip bôi xấu người Hà Nội, thậm chí có những người đã dàn dựng câu chuyện, tình huống giật gân, bôi nhọ, kích động vùng miền, nhằm kiếm những chiếc “like” ảo và lợi nhuận từ đó.
Bên cạnh đó còn có những người nói xấu phân biệt vùng miền vì quan điểm lệch lạc, hoặc đơn giản như một trò tiêu khiển mua vui. Thậm chí, nhiều người còn đặt biệt danh có ý nghĩa miệt thị cho các vùng đất, hoặc một số biệt danh mang tính chế nhạo, như một số người trẻ hiện dùng các từ nói trại “Parky”, “Namkiki” để thay cho hai từ “Bắc kì” - “Nam kì” chứa đựng ý nghĩa định kiến, phân biệt.
Trong các dịp trao đổi với truyền thông, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng về vấn đề này. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh văn hóa ứng xử trên không gian mạng, việc lan truyền bình luận phân biệt vùng miền có thể làm suy yếu những nỗ lực này, thậm chí có thể đẩy lùi quá trình xây dựng một môi trường mạng lành mạnh và tích cực. Nguyên nhân của thực trạng đó xuất phát từ việc nhiều người dùng mạng xã hội thiếu hiểu biết về sự đa dạng văn hóa của đất nước, bao gồm cả bản sắc và đặc điểm của các địa phương. Ngoài ra, mạng xã hội thường không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến việc những thông tin không chính xác được lan truyền một cách dễ dàng, bao gồm cả các bình luận kỳ thị vùng miền.
Còn theo TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc, có cơ chế xử phạt mạnh tay với những phát ngôn, hành vi phản văn hóa, gây chia rẽ vùng miền. Ngoài ra, vấn đề giáo dục nhận thức phải được thực hiện ngay từ trong gia đình, nhà trường. Cần cho thế hệ trẻ hiểu rằng, mỗi vùng đất đều có những nét văn hóa độc đáo, đáng trân trọng. Do đó, phải dừng ngay suy nghĩ phát ngôn xúc phạm văn hóa, lối sống để không có lỗi với những giá trị truyền thống mà cha ông đã để lại.
Trao đổi với phóng viên, ThS. LS Nguyễn Thúy Hạnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Công ty Luật TNHH Vietthink nêu quan điểm: Hiến pháp 2013 quy định về tình đoàn kết dân tộc và quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, theo đó, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc (khoản 2 Điều 5). Đồng thời, Điều 16 Hiến pháp quy định, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều 20 quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.
Như vậy, những lời nói mang tính phân biệt vùng miền trên mạng xã hội được coi là có dấu hiệu xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân và gây mất tình đoàn kết giữa các dân tộc. Những hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013.
Cạnh đó, hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Đối với hành vi gây mất tình đoàn kết giữa các dân tộc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết” theo Điều 116 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với hình phạt thấp nhất nếu chuẩn bị phạm tội là phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc cao nhất từ 07 đến 15 năm...