Phân bổ lại nhân lực: Nền móng thúc đẩy tăng trưởng

Sự mất cân đối về cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực và ngành nghề kinh tế đang đặt những đòi hỏi cần phải có sự phân bổ lại nguồn lực lao động một cách hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng.

Công nhân may mặc tại Công ty Cổ phẩn Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Công nhân may mặc tại Công ty Cổ phẩn Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định về hệ thống chính sách lao động, việc làm và khung pháp lý…

Tuy nhiên, thị trường này vẫn bộc lộ không ít bất cập. Theo đó, sự mất cân đối về cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực và ngành nghề kinh tế đang đặt những đòi hỏi cần phải có sự phân bổ lại nguồn lực lao động một cách hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng.

•Nhiều bất cập

Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực - Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương CIEM), bà Lê Thị Xuân Quỳnh nhận định, Việt Nam đã có những cải thiện nhất định về hệ thống chính sách lao động, việc làm và khung pháp lý tạo điều kiện nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động.

Đặc biệt, thời gian qua, nguồn nhân lực trong nước đang có sự dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Từ đó, người lao động từng bước chuyển dần từ các công việc không ổn định, bấp bênh như lao động tự làm, lao động gia đình không được hưởng lương sang những công việc mang tính ổn định, bền vững, đảm bảo hơn và hướng tới ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao…

Cùng với đó, nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã có sự cải thiện rõ rệt; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện đã tăng nhiều so với trước.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, thị trường lao động của Việt Nam vẫn bộc lộ không ít bất cập. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách được xây dựng chưa bao phủ đầy đủ các chủ thể trên thị trường lao động.

“Thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung - cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế”, ông Chung nhấn mạnh.

Báo cáo của CIEM dẫn chứng, lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% trong năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao.

Cùng với đó, việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp; các hình thức đào tạo dưới 3 tháng chiếm 75,3%, còn lại cao đẳng và trung cấp khoảng 24,7%. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi từ 15-45 thường xuyên ở mức cao, chiếm 38,7% tổng số người thất nghiệp (số liệu của năm 2019).

“Điều này, phản ánh phần nào về chất lượng đào tạo của Việt Nam chưa tốt, sinh viên, học viên ra trường thiếu các kỹ năng, chuyên môn cần thiết đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng. So với các nước trong khu vực, kỹ năng lao động của Việt Nam còn hạn chế khi chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), thứ hạng này kém rất xa so với nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào,” bà Lê Thị Xuân Quỳnh cho biết.

Các chuyên gia CIEM cũng chỉ ra một số nguyên nhân thời gian dài vừa qua vẫn chưa khắc phục được; đó là, sắp xếp mạng lưới trường lớp chưa đi cùng với hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển lao động; thiếu khung pháp lý, chế tài xử lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp…

Thêm vào đó, các trung tâm dịch vụ việc làm công lập thiếu năng động, nặng tính hành chính, phục vụ chủ yếu đối tượng bảo hiểm thất nghiệp trong khu vực chính thức mà chưa có sự kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm tư nhân.

Điều đó dẫn tới tình trạng người lao động tìm việc làm hầu hết thông qua người thân và các mối quan hệ quen biết. Theo kết quả điều tra của CIEM, hơn 50% hoạt động tìm kiếm việc làm là qua những con đường phi chính thức, như bạn bè, người thân; còn lại 2-3% tìm qua các trang web.

• Thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực

Theo CIEM, vấn đề đặt ra là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam cần chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để làm được như vậy, Việt Nam cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng thúc đẩy chuyển dịch tích cực các nguồn lực sản xuất sang các ngành, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh hơn, năng suất lao động cao hơn và đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển kinh tế Việt Nam; trong đó, có nguồn lực lao động.

TS. Nguyễn Tú Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong giai đoạn tới cần chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực; chính sách tiền lương và về phát triển các định chế trung gian, các cơ chế an sinh, bảo hiểm xã hội cho người lao động để thúc đẩy thị trường lao động phát triển.

Còn TS. Bùi Sỹ Tuấn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, khi quy hoạch phát triển các tỉnh/vùng phải quan tâm phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu chế xuất theo mô hình cụm liên kết ngành gắn với chuỗi giá trị để vừa khai thác và phát huy lao động tại chỗ, lao động giản đơn vừa thu hút được lao động chất lượng cao, đồng thời tạo tác động lan tỏa cải thiện mặt bằng chất lượng lao động.

Liên quan đến chính sách đào tạo, các chuyên gia kinh tế nhất trí rằng, cần xây dựng cơ chế đảm bảo tính tự chủ đầy đủ của các cơ sở đào tạo; phát triển hệ thống hướng nghiệp xuyên suốt và liên tục ngay từ các trường phổ thông, đến các trường nghề, trường cao đẳng, đại học và ngay cả trong quá trình làm việc của người lao động; đồng thời, mở rộng đối tượng được vay tín dụng để có khả năng tài chính tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Bà Lê Thị Xuân Quỳnh đề nghị, cần sửa đổi Luật Việc làm theo hướng phát triển và mở rộng quy mô việc làm thỏa đáng, bền vững; giảm quy mô việc làm phi chính thức với các quy định hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, tránh sa thải lao động, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động.

Bên cạnh đó, bà Quỳnh cũng đặc biệt lưu ý phát triển các định chế trung gian, hệ thống thông tin thị trường lao động, đổi mới các trung tâm dịch vụ việc làm công lập; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp dịch vụ việc làm tư nhân; đồng thời, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất, đầy đủ, kịp thời về cung - cầu lao động, tiếp cận mở./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phan-bo-lai-nhan-luc-nen-mong-thuc-day-tang-truong/195761.html