Phân bổ nội dung, thời lượng dạy học lớp 1 để không gây quá tải

Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị: Hiện nay, cấp tiểu học trên cả nước học ngày 2 buổi. Đề nghị nên xem xét lại vì cấp tiểu học ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa không nhất thiết học ngày 2 buổi.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện yêu cầu Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT), Bộ GD&ĐT có Thông tư số 32/2018/TT-BGD&ĐT ban hành Chương trình GDPT. Theo đó, giáo dục cấp tiểu học thực hiện thống nhất trong toàn quốc là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), với mục tiêu tạo điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm nhiều hơn cho HS.

Để triển khai Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục tiểu học có kế hoạch chuẩn bị điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… nhằm thực hiện chương trình theo lộ trình. Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa GDPT; Quyết định số 1436/QĐ-TTg phê duyệt đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 - 2025…

Để hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 3866/BGD&ĐT-GDTH ngày 26/8/2019 hướng dẫn chuẩn bị tổ chức dạy học với lớp 1 năm học 2020 - 2021. Trong đó, quy định cụ thể mục đích, yêu cầu, điều kiện tổ chức dạy học, nội dung, thời lượng và kế hoạch dạy học với cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Để tiếp tục triển khai Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3977/BGD&ĐT-GDTH chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện một số giải pháp. Trong đó có việc chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung, thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà. Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1; tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/goc-nhin/phan-bo-noi-dung-thoi-luong-day-hoc-lop-1-de-khong-gay-qua-tai-tebKFe8Mg.html