Ngành phân bón 10 năm không chịu thuế VAT: Kỳ vọng gì khi đề xuất áp thuế 5%?

Theo doanh nghiệp ngành phân bón, nếu được áp thuế VAT phân bón 5%, doanh nghiệp sẽ có cơ hội đầu tư công nghệ, thiết bị, cải tiến dây chuyền, giảm giá thành sản xuất, giảm giá bán sản phẩm cho nông dân.

Bất lợi khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã cho ý kiến với Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), trong đó đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5% đã và đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP - Vinachem, thông tin tại tọa đàm "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp" rằng, ngay sau khi Luật 71/2014 ra đời, doanh nghiệp đã nhận thấy khó khăn và kiến nghị xem xét điều chỉnh. Dẫn chứng từ doanh nghiệp, toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, với mỗi năm làm tăng thêm khoảng 7-8%. Ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỷ đồng và trong suốt 10 năm nay số lũy kế lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào.

Các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào.

Trong khi đó, đánh giá về những mặt được và chưa được kể từ khi ngành hàng phân bón thuộc đối tượng "không chịu thuế VAT" theo Luật số 71, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Ngọc Thuấn – Kế toán trưởng Công ty Cổ phần phân lân Ninh Bình cho biết, đối với Luật thuế 71 về mặt tích cực là ngân sách địa phương nơi các doanh nghiệp sản xuất phân bón hoạt động không phải hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón.

Tuy nhiên, ông Thuấn cũng chỉ ra hạn chế đối với việc không chịu thuế VAT theo Luật Thuế 71 đó là các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón.

Chính vì không được khấu trừ nên các chi phí sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm (Tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên và người nông dân, người sử dụng cuối cùng phải chịu.

"Một tác động nữa là giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng, gây bất lợi cho việc cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Xảy ra tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng do đối thủ chịu thuế VAT nên được khấu trừ và giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước", ông Thuấn phân tích.

Cải tiến dây chuyền, giảm giá thành sản xuất

Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chính phủ đề xuất áp thuế giá trị gia tăng đối với phân bón lên mức 5%, đại diện Công ty Cổ phần phân lân Ninh Bình cho rằng điều này sẽ mang lại nhiều triển vọng với ngành phân bón nói chung và trong đó có Công ty Cổ phần phân lân Ninh Bình nói riêng.

Ông Thuấn cho rằng, các doanh nghiệp phân bón trong nhiều năm qua phải đưa vào giá thành sản xuất nhiều tỷ đồng nhưng nếu bây giờ thay đổi, số tiền đó có thể sử dụng để đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng phân bón và mang tới sản phẩm tốt hơn cho người nông dân.

"Đối với Công ty Cổ phần phân lân Ninh Bình nếu được áp thuế VAT phân bón 5%, hàng năm công ty sẽ được khấu trừ thuế VAT trên 10 tỷ đồng. Công ty sẽ có cơ hội đầu tư công nghệ, thiết bị, cải tiến dây chuyền, giảm giá thành sản xuất, giảm giá bán sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, có cơ hội cạnh tranh hơn nữa với các sản phẩm phân bón ngoại nhập", ông Thuấn cho biết.

Có cơ hội đầu tư công nghệ, thiết bị, cải tiến dây chuyền, giảm giá thành sản xuất, giảm giá bán sản phẩm cho nông dân.

Có cơ hội đầu tư công nghệ, thiết bị, cải tiến dây chuyền, giảm giá thành sản xuất, giảm giá bán sản phẩm cho nông dân.

Một số ý kiến lo ngại rằng việc áp thuế VAT 5% cho phân bón giúp doanh nghiệp giảm giá thành, nhưng chưa chắc doanh nghiệp đã chịu giảm giá bán và người chịu thiệt vẫn là nông dân.

Về ý kiến này, ông Thuấn cho biết thêm, giá bán hàng hóa trên thị trường nói chung và mặt hàng phân bón nói riêng đều phải tuân theo quy luật cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Đồng thời, giá bán của mặt hàng phân bón chịu tác động của giá vật tư đầu vào đưa vào sản xuất phân bón.

Vì vậy, việc áp thuế giá trị gia tăng 5% chỉ là một trong các cơ sở để doanh nghiệp sản xuất phân bón giảm giá thành sản xuất. Qua đó, giảm giá bán cho nông dân.

"Nếu áp thuế VAT 5% cho phân bón và các yếu tố khác giữ nguyên thì chắc chắn giá phân bón sẽ giảm", ông Thuấn bày tỏ.

"Việc không áp thuế VAT đã tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ thuế VAT đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao, đẩy giá phân bón cho nông dân lên cao. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu".

Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính).

Đồng thời, đại diện doanh nghiệp cho biết, nếu áp dụng thuế VAT 5% thì sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho ngành phân bón. Thiết thực nhất đó là cạnh tranh bình đẳng với phân bón của nước ngoài, cả xuất khẩu và nhập khẩu.

Nếu áp dụng thuế VAT 5% trên lý thuyết các doanh nghiệp sản xuất phân bón có điều kiện hạ giá thành sản xuất do được khấu trừ thuế VAT đầu vào và sẽ giảm giá bán. Từ đó, sẽ có điều kiện cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp sản xuất phân bón nước ngoài.

Với việc hạ được giá bán, chi phí cố định chăm bón của người nông dân sẽ giảm từ đó có thể tăng khối lượng phân bón chăm sóc cây trồng. Doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ tăng được lượng tiêu thụ sản phẩm. Cây trồng của nông dân cũng được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho chu kỳ phát triển hơn.

(Còn tiếp)

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bai-2-phan-bon-10-nam-khong-chiu-thue-vat-ky-vong-gi-khi-de-xuat-ap-thue-5-204240731151452286.htm