Phân bón Bình Điền triển khai chương trình canh tác cà phê thông minh tại Tây Nguyên

Chương trình là tìm ra những hạn chế, tồn tại trong các vườn cà phê trồng thuần và trồng xen hiện tại. Từ đó, sẽ xây dựng quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngày 14/6, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức hội nghị triển khai chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2023 - 2025.

Hội nghị là khâu đầu tiên đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho chương trình "Canh tác cà phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên" giai đoạn 2023 - 2025. Chương trình đã tập trung giới thiệu, thảo luận về việc chọn lựa địa điểm triển khai dự án, cũng như tập huấn cho các cán bộ tham gia trong thời gian tới.

Các đại biểu tham gia Hội nghị triển khai chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2023 - 2025

Các đại biểu tham gia Hội nghị triển khai chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2023 - 2025

Mục tiêu của chương trình là tìm ra những hạn chế, tồn tại trong các vườn cà phê trồng thuần và trồng xen hiện tại. Từ đó, sẽ xây dựng quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời đóng góp vào phát triển kinh tế xanh và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Để đạt được mục tiêu này, cần chú trọng vào việc tập huấn cho các bên tham gia. Trong đó, sẽ có nhiều thí nghiệm chuyên sâu, từ diện hẹp đến diện rộng; điều tra thực tế trên 500 hộ canh tác cà phê ở 5 tỉnh Tây Nguyên; phân tích 200 mẫu đất ở các tầng canh tác cà phê trong các vườn trồng thuần, trồng xen (xen sầu riêng, hồ tiêu), trong các vườn cây già cỗi, vườn cây kinh doanh sung sức… Từ đó, chương trình sẽ đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến quá trình canh tác cà phê hiện tại và dự báo cho 3 năm tới cũng như tác động tới đất trồng cà phê, hệ sinh học đất trồng cà phê.

TS. Phạm Anh Cường - Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển sản phẩm Cty Bình Điền phân tích các tác động tích cực của chương trình nếu được thực hiện một cách bài bản

TS. Phạm Anh Cường - Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển sản phẩm Cty Bình Điền phân tích các tác động tích cực của chương trình nếu được thực hiện một cách bài bản

Xác định Tây Nguyên là vùng sản xuất cà phê trọng điểm của cả nước (chiếm 92% diện tích), đóng góp lớn cho xuất khẩu trong khi dư địa phát triển còn rất lớn. Tuy nhiên, TS. Phạm Anh Cường - Trưởng phòng Nghiên cứu - Phát triển sản phẩm của Bình Điền cho rằng, sản xuất cà phê đứng trước nhiều thách thức. Các hộ nông dân thâm canh cà phê sử dụng phân vô cơ vượt quá khuyến cáo; sử dụng nước tưới cho cà phê chưa khoa học làm đất trồng bị suy thoái nghiêm trọng, quá trình chua hóa đất diễn ra nhanh hơn.

Cùng với tác động của kỹ thuật canh tác, sản xuất cà phê tại Tây Nguyên cũng chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chỉ riêng hạn hán năm 2016 đã ảnh hưởng đến 116.400ha cà phê, trong đó Đắk Lắk có diện tích bị hạn lên tới 56.100ha. Theo thống kê của Cục Trồng trọt năm 2023, diện tích cà phê bị mất trắng do hạn là 6.900ha.

Theo Cục Trồng trọt, diện tích cây trồng xen trong vườn cà phê đang ngày càng có xu hướng tăng nhanh. Nguyên nhân vừa do giá cà phê biến động nhiều, vừa do thu nhập của cây trồng xen quá hấp dẫn (250 triệu đồng khi xen sầu riêng và 141 triệu đồng khi xen bơ). Diện tích cà phê có trồng xen với các cây trồng khác năm 2021 là 169.900ha (chiếm 26,17%), là một tỉ lệ khá cao và đang có xu hướng tăng nhanh.

Diện tích tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020 lên đến 90.000ha và 30.000ha khác phải ghép cải tạo, chiếm 18,5% tổng diện tích cà phê. Kế hoạch tái canh sẽ vẫn phải tiếp tục, dự kiến đến 2025 cần tái canh tiếp 75.000ha và ghép cải tạo thêm 32.000ha. Các loại dịch hại từ đất phát triển, đặc biệt là bệnh vàng lá thối rễ làm hàng trăm ngàn ha cà phê phải tái canh, thậm chí phải phá bỏ, nhiều diện tích bị rút ngắn chu kỳ kinh doanh, hiệu quả kinh tế giảm sút.

"Kỹ thuật canh tác cà phê truyền thống, cộng với tác động của biến đổi khí hậu đã, đang ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng cà phê tại Tây Nguyên. Vì vậy việc tổ chức Chương trình Canh tác Cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu là rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay", đại diện Bình Điền chia sẻ.

TS. Trương Hồng, nguyên Quyền Giám đốc WASI, thành viên hội đồng cố vấn chương trình chia sẻ về canh tác cà phê thông minh

TS. Trương Hồng, nguyên Quyền Giám đốc WASI, thành viên hội đồng cố vấn chương trình chia sẻ về canh tác cà phê thông minh

Nguyên Quyền Giám đốc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) TS. Trương Hồng - Thành viên hội đồng cố vấn chương trình cho biết, Canh tác cà phê thông minh là hệ thống các giải pháp kỹ thuật mới, đồng bộ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, tăng thu nhập cho nông dân.

Chương trình hướng tới giúp bà con nông dân sử dụng giống mới, từ cơ sở sản xuất uy tín; nên trồng cà phê ghép theo hàng; đa dạng hóa sản phẩm trên vườn cà phê bằng trồng xen cây ăn quả có giá trị; sử dụng các loại phân bón thế hệ mới cân đối, hợp lý giữa vô cơ và hữu cơ; tưới đúng, đủ lượng nước và đúng thời điểm; dùng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng…

Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, mục tiêu cuối cùng của chương trình là nâng cao đời sống người dân

Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết, mục tiêu cuối cùng của chương trình là nâng cao đời sống người dân

Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết, mục tiêu của Bình Điền là làm sao nâng cao được đời sống mọi mặt cho bà con nông dân. Từ lúa, giờ đến cà phê.

"Làm cà phê khó hơn nên phải làm kỹ, từng bước trong 3 năm tới. Ta có thiên nhiên ưu đãi, nhưng phải có công nghệ tiên tiến can thiệp mới có hiệu quả cao, nhất là làm hàng xuất khẩu", Tổng Giám đốc Ngô Văn Đông thông tin và kỳ vọng, từ chương trình của Bình Điền, chúng tôi mong muốn sự hợp tác của các lực lượng từ đầu vào đến đầu ra cho sản xuất cà phê của bà con nông dân Tây Nguyên.

Lê Hoa

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phan-bon-binh-dien-trien-khai-chuong-trinh-canh-tac-ca-phe-thong-minh-tai-tay-nguyen-106232.htm