Phản cảm chuyện đám đông hiếu kỳ
Trong bất kỳ sự cố về tai nạn, cháy nổ, gây mất an ninh trật tự... nào xảy ra cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh đám đông hiếu kỳ tụ tập xem, quay phim, chụp ảnh bằng điện thoại, thậm chí cả 'live stream' (phát trực tiếp) chỉ vì tò mò hoặc 'câu like', 'câu view' trên các trang mạng xã hội.
* Chỉ vì tò mò...
Chiều 9-2, một bãi tập kết pallet nhựa, phế liệu tại xã Lộc An (huyện Long Thành) đang cháy ngùn ngụt với cột khói bốc lên cao hàng chục mét, lửa bùng lên kèm hơi nóng khiến những hộ dân kế bên phải gấp rút “di tản” ra xa. Trong khi lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy liên tục triển khai xe, vòi nước đến dập lửa thì lại có hàng trăm người dân kéo đến vây quanh để xem, có người còn quay phim, phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Anh V.T.T. (ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành) cho biết: “Nghe nói có cháy, tôi chạy xe máy qua xem. Mấy khi có cháy lớn đâu nên phải chạy qua coi chữa cháy như thế nào. Tôi đứng coi thôi mà, người ta còn vào sát đám cháy quay phim, chụp ảnh có sao đâu”.
Không chỉ cháy, nổ mà bất kỳ vụ việc gì đang được lực lượng chức năng xử lý ngoài hiện trường cũng khiến nhiều người tò mò kéo đến xem, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra. Điển hình như vụ vây bắt Tuấn “khỉ” (nghi can cướp tài sản và xả súng bắn chết nhiều người) vào cuối tháng 1-2020 tại huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) có rất nhiều người kéo đến xem, trong đó có người đến từ các địa phương khác cách hiện trường hàng chục cây số. Trong khi đó không thể biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra, nhất là với những người đứng xem, một khi đối tượng này chưa bị bắt.
Còn nhớ trước đây, vào tối 15-2-2018 (nhằm ngày 30 Tết 2018), vụ các đối tượng gây rối trật tự tại một tiệm game bắn cá (đóng tại phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cũng khiến hàng trăm người dân hiếu kỳ vây quanh xem lực lượng công an thuyết phục các đối tượng gây rối an ninh trật tự ra trình diện. Những lần như vậy, lực lượng chức năng ngoài việc phải ứng phó với các đối tượng còn phải cử người lập rào chắn từ xa để ngăn chặn người dân lại gần, tránh tình trạng các đối tượng trà trộn trong đám đông để bỏ trốn.
Chị H.Y. (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Nhiều người thấy tai nạn, cháy nổ gì cũng vây quanh coi, không giúp gì thì thôi còn cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Có không ít người dừng lại xem còn quay phim, chụp ảnh tranh thủ “câu like”, “câu view” để thu hút người xem quan tâm đến các trang bán hàng online của họ. Trong các vụ tai nạn, cháy, nổ, nhìn các nạn nhân đau đớn vì bị thương hoặc khổ sở vì bị mất mát tài sản, thì hình ảnh một nhóm người hiếu kỳ hí hửng đứng xem rồi quay phim, chụp ảnh trông rất phản cảm”.
* Hậu quả khó lường
Việc đám đông hiếu kỳ vây quanh xem các vụ cháy, nổ, tai nạn, vây bắt tội phạm... không chỉ cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho chính những người hiếu kỳ nếu có sự cố ngoài ý muốn xảy ra.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, một trong những khó khăn trong công tác chữa cháy là gặp các đám đông hiếu kỳ đứng xem, để xe tràn ra cả lối đi, nhất là khi vào các đường hẻm nhỏ. Nhiều người còn khóa cổ xe máy để ngoài đường rồi đi bộ vào sát đám cháy để xem, vô tình làm cản trở, làm chậm thời gian xe đặc chủng di chuyển vào bên trong để chữa cháy. Đối với cứu hỏa thì một giây cũng rất ý nghĩa, thế nhưng, nhiều vụ cháy, thời gian đã bị kéo dài thêm vì phải vất vả tránh những người hiếu kỳ.
“Việc người hiếu kỳ đi vào gần các đám cháy để coi rất nguy hiểm. Vì trong các vụ cháy khó lường hết các nguy cơ có thể xảy ra, nhất là trong đám cháy có hóa chất có thể gây nổ lớn, gây nguy hiểm đến tính mạng những người xung quanh” - Thượng tá Nguyễn Văn Hải khuyến cáo.
Thực tế đã có hậu quả xảy ra khi đám đông hiếu kỳ tập trung xem sự cố khi đang được cơ quan chức năng giải quyết. Cụ thể như ngày 23-7-2019, trên quốc lộ 5 (đoạn qua huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), 1 xe tải đã tông vào dải phân cách và lao thẳng vào 7 người đang tập trung xem một vụ tai nạn giao thông khác (xảy ra gần đó) làm chết 5 người và bị thương 2 người. Hay như ngày 31-1 vừa qua, trong lúc lực lượng công an tập trung giải tán người dân tò mò theo dõi quá đông, nên đối tượng ôm lựu đạn cố thủ trong nhà ở quận 10, TP.Hồ Chí Minh đã trốn thoát khỏi sự vây bắt suốt nhiều giờ của cảnh sát. Lợi dụng thời điểm này, đối tượng trên đã trốn về huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) khiến lực lượng công an phải tốn nhiều công sức mới bắt được vào ngày 2-2.
Để không còn những hình ảnh phản cảm đám đông hiếu kỳ tụ tập xem các vụ việc, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi người dân phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ cảnh báo của cơ quan chức năng. Ngoài ra, cũng cần có chế tài xử phạt những người cố tình cản trở người thi hành công vụ. Ông Nguyễn Khắc Luân (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đề xuất: “Khi lực lượng chức năng làm việc tại hiện trường cần phải căng dây nhựa màu nổi để cảnh báo không cho người không có nhiệm vụ tới gần và cần có chế tài thích đáng để xử lý các trường hợp ngang nhiên vượt qua dây này để tiếp cận hiện trường”.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202002/phan-cam-chuyen-dam-dong-hieu-ky-2987695/