Phân cấp UBND tỉnh quản lý giao thông vận tải thủy tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu

Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về phân cấp quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.

Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định về phân cấp cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải.

Nguyên tắc phân cấp

Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc phân cấp bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống các quy định pháp luật liên quan; đảm bảo nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu; giải quyết kịp thời, thuận lợi các yêu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động quản lý, khai thác tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu.

Phân cấp phải phù hợp với điều kiện và khả năng thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các nội dung và phạm vi được phân cấp.

Không thực hiện phân cấp công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia thuộc phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

Điều kiện phân cấp

Theo dự thảo, Bộ giao thông vận tải phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu khi bảo đảm đáp ứng các điều kiện sau:

1- Có tổ chức, bộ máy cảng vụ đường thủy nội địa theo quy định tại Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT ngày 14/9/2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa.

2- Đảm bảo số lượng người lao động làm việc tại cảng vụ (bao gồm cả số người dự kiến tiếp nhận) có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm và biên chế được phê duyệt theo quy định.

3- Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết khác để tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu được phân cấp theo quy định.

4- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản đề nghị được phân cấp công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu thuộc trách nhiệm tổ chức quản lý của Bộ Giao thông vận tải.

Nội dung, phạm vi phân cấp

Dự thảo nêu rõ, về nội dung phân cấp, công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT ngày 14/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa, trừ quy định tại khoản 19 Điều 4 Thông tư số 18/2021/TT-BGTVT ngày 14/9/2021.

Phạm vi phân cấp: Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa quốc gia; cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu có vùng đất, vùng nước vừa trên đường thủy nội địa quốc gia vừa trên đường thủy nội địa địa phương, trừ các tuyến đường thủy nội địa giáp ranh giữa 02 tỉnh, thành phố trở lên, tuyến sông biên giới.

Phân cấp trách nhiệm

Dự thảo nêu rõ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong nội dung, phạm vi được phân cấp theo quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Bộ Giao thông vận tải trong tổ chức thực hiện các nội dung trong phạm vi được phân cấp theo quy định; tiếp nhận viên chức, người lao động đang thực hiện các nhiệm vụ tại các cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu và các cơ sở vật chất khác trong phạm vi được phân cấp; chỉ đạo báo cáo kết quả thực hiện các các nhiệm vụ, quyền hạn trong nội dung, phạm vi được phân cấp.

Bộ Giao thông vận tải phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đối với công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đảm bảo các điều kiện phân cấp theo quy định; kết thúc phân cấp nếu trong quá trình thực hiện các nội dung đã được phân cấp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không đáp ứng điều kiện, nguyên tắc phân cấp theo quy định hoặc việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân cấp không hiệu quả; tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm được phân cấp theo quy định của pháp luật.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổng hợp, thống kê, rà soát, bàn giao công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trong phạm vi phân cấp theo quy định; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm được phân cấp theo quy định của pháp luật; định kỳ hàng năm tổng hợp, đánh giá việc thực hiện các nội dung của cơ quan được phân cấp và báo cáo Bộ Giao thông vận tải theo quy định về chế độ báo cáo tại Điều 2 Thông tư số 35/2020/TT-BGTVT ngày 23/12/2020 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường thủy nội địa; thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ Giao thông vận tải giao.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phan-cap-ubnd-tinh-quan-ly-giao-thong-van-tai-thuy-tai-cang-ben-thuy-noi-dia-khu-neo-dau-1192309271614328.htm