Phân cấp, ủy quyền mạnh hơn những thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi người dân
Thạc sĩ, Luật gia Phạm Văn Chung. Trước thực tế còn những khó khăn, vướng mắc, những bất cập khi phân cấp, ủy quyền trong giải quyết thủ tục hành chính đã phần nào cản trở việc đẩy mạnh hoạt động này trong thời gian tới, các chuyên gia luật cho rằng: cần tiếp tục rà soát, cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị với nhau; Phân cấp, ủy quyền mạnh hơn đối với những thủ tục hành chính (TTHC) liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân, tổ chức theo hướng gọn, đơn giản, dễ thực hiện...
Thiếu thống nhất trong xác định nguyên tắc ủy quyền
Trong thời gian qua, công cuộc cải cách TTHC đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Đa số các cơ quan, đơn vị có thực hiện TTHC đều nâng cao ý thức và nghiêm túc triển khai các nội dung, trình tự, quy trình thủ tục trong giải quyết TTHC bảo đảm đúng quy định, giải quyết nhanh, đúng thời gian và trước hạn. Điều này đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, thúc đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.
Tuy nhiên, công tác cải cách TTHC hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, phần nào cản trở việc đẩy mạnh hoạt động này. Đơn cử, liên quan đến thẩm quyền giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan/thẩm quyền giải quyết của địa phương, cụ thể là triển khai thực hiện Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30.8.2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định:“Trong trường hợp cần thiết, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Luật này, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền cho UBND cấp dưới trực tiếp, UBND có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cùng cấp, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, Chủ tịch UBND cấp dưới trực tiếp thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể. Việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản”. Tuy nhiên, khi thực hiện việc phân cấp còn phải bảo đảm các nguyên tắc được quy định tại Khoản 2 Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhưng nhiều TTHC chưa thể phân cấp vì các địa phương chưa bảo đảm điều kiện thực hiện. Ví dụ, khi giao cho các địa phương xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công nhiều lĩnh vực không thực hiện được vì cán bộ, công chức nhiều địa phương, lĩnh vực không có đủ chuyên môn, nghiệp vụ liên quan. Trong khi đó, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp và chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.
Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định “Việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong luật. Trong trường hợp này, luật phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp, ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác”. Đối với hoạt động ủy quyền, Luật không quy định cụ thể từng nguyên tắc mà chỉ mang tính chất chung. Tuy nhiên, pháp luật chuyên ngành đang theo hướng quy định chi tiết một số nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Trong trường hợp này có thể hiểu rằng, cơ quan, người có thẩm quyền chỉ được ủy quyền những nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật cho phép. Như vậy, pháp luật đang có sự thiếu thống nhất trong việc xác định nguyên tắc ủy quyền. Ví dụ, trong lĩnh vực nuôi con nuôi thì Luật Nuôi con nuôi không có quy định, không "cho phép" ủy quyền nhưng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp và cơ quan chức năng thì đề nghị các địa phương nghiên cứu để triển khai thực hiện ủy quyền nên địa phương gặp nhiều lúng túng, vướng mắc, sợ sai sót, trái thẩm quyền...
Hoàn thiện các quy định về phân cấp, ủy quyền
Trước thực tế trên, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc và những bất cập, cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện quy định về phân cấp, ủy quyền trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng quy định bao quát các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong hệ thống bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, làm rõ việc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện được phân cấp, ủy quyền.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ việc ủy quyền giữa UBND với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp; đồng thời làm rõ việc ủy quyền giữa các cơ quan cùng cấp hay chỉ xác định việc ủy quyền hành chính đối với các cơ quan, người có thẩm quyền cấp trên với cơ quan, cá nhân cấp dưới.
Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc rà soát, cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị với nhau. Phân cấp, ủy quyền mạnh hơn đối với những TTHC liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân, tổ chức theo hướng gọn, đơn giản, dễ thực hiện, bảo đảm 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm chi phí.
Như vậy, cùng với thái độ phục vụ tận tình, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân, tổ chức trong giải quyết TTHC, đem đến sự hài lòng cho người dân, từ đó tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.