Phan Châu Trinh, nhà khai minh tư tưởng hiện đại hóa Việt Nam
LTS. Cách đây đúng 101 năm, ngày 19.6.1919, Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn bản 'Yêu sách của nhân dân An Nam' gửi Hội nghị Versailles, ký tên chung là 'Nguyễn Ái Quốc', đã gây được tiếng vang lớn.
Năm 1925, cũng vào một ngày tháng 6, Phan Châu Trinh từ Pháp về tới Sài Gòn sau bao năm bôn ba hải ngoại. Nhưng sau một thế kỷ, liệu đồng bào ông đã có thể hiểu hết tư tưởng của con người được nhà văn hóa Nguyên Ngọc gọi là “bộ óc minh mẫn nhất của đất nước đầu thế kỷ XX” (Kỷ yếu Hội thảo khoa học, giáo dục và dân trí, kỷ niệm 130 năm ngày sinh Phan Châu Trinh, 1872 - 2002).
Bài viết dưới đây cho thấy tư tưởng Phan Châu Trinh tới nay vẫn còn nhiều điều quá mới mẻ!
***
Hiềm vì nỗi học hành sai lối
Thóc vứt đi rơm bổi quơ về
Sai lầm từ thuở nhà Lê
Trải qua nhà Nguyễn sai bê dần dần
(Phan Châu Trinh - Tỉnh quốc hồn ca)
Đầu thế kỷ XX, khi đi tìm con đường cứu nước, giới nho sĩ Việt Nam đã sản sinh ra một cặp đôi, vừa giống nhau lại vừa khác nhau: Phan Bội Châu (1867 - 1940) và Phan Châu Trinh (1872 - 1926).
Năm 1905, hải quân Nhật thắng Nga khiến cả Đông Á hiểu rằng, muốn chiến thắng phương Tây, phải trở thành phương Tây, tức hiện đại hóa. Ở Việt Nam, từ cuối thế kỷ XIX, vào lúc thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta, đã có những tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Trương Vĩnh Ký... Nay, tấm gương Nhật Bản nhãn tiền hơn.
Phan Bội Châu một mặt lập ra phong trào Đông Du, gửi thanh niên Việt Nam sang Nhật học, đặc biệt ở các trường quân sự. Đồng thời cầu viện chính phủ sở tại giúp đánh đuổi người Pháp bởi nghĩ rằng Việt Nam và Nhật dẫu sao cũng máu đỏ da vàng, đồng văn đồng chủng. Mặt khác, ông còn thành lập Việt Nam Quang Phục Hội ở trong nước, quyên tiền mua vũ khí, chờ thời cơ nổi dậy. Như vậy Phan Bội Châu tiếp tục đi theo con đường truyền thống: phản ứng tức thì, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, giành độc lập trước rồi hiện đại hóa đất nước sau.
Phan Châu Trinh, ngược lại, mở ra con đường cứu nước phi truyền thống, không dùng bạo lực mà dùng văn hóa, đòi hỏi một cái nhìn sâu xa hơn. Với các nhà nho đầu thế kỷ XX, mất nước không chỉ mất chủ quyền, lãnh thổ, chế độ, tức chính trị, mà quan trọng hơn mất văn hóa, tức mất hệ quy chiếu, một sự tồn tại với tư cách là người Việt Nam.
Bởi vậy, ông ưu tiên nhiệm vụ xây dựng một xã hội hiện đại, một nhà nước cộng hòa, tức xây dựng một nước Việt Nam mới, với một văn hóa mới. Phương châm hoạt động của ông là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Trước hết, ông từ quan cùng Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng vào Nam bộ xem xét tình hình, rồi ra Hà Nội cùng Lương Văn Can mở Đông Kinh Nghĩa Thục (1905) hô hào tân học. Ông cổ động học chữ quốc ngữ, mặc Âu phục, cắt bỏ búi tóc, thuyết phục các nhà nho, theo gương các võ sĩ đạo Nhật Bản, ra làm ăn buôn bán để làm giàu cho đất nước.
Phan Châu Trinh còn lên Yên Thế gặp Đề Thám (1905), rồi trốn sang Nhật Bản gặp Phan Bội Châu để thảo luận về đường lối cứu quốc (1906). Về nước, ông càng quyết tâm con đường Duy Tân Minh xã của mình. Ông công khai phê phán tầng lớp nho sĩ quan/thư lại hủ bại của chính phủ Nam triều. Ông gửi thư cho Toàn quyền Beau, người đã có một vài chủ trương cải cách giáo dục, để đề nghị phế bỏ chế độ quan lại thối nát và sử dụng các nhân sĩ vì nước, vì dân cùng khai hóa dân chúng.
Như vậy, đường lối cách mạng của hai nhà nho duy tân song trùng này hoàn toàn trái ngược nhau. Đó không chỉ do cốt cách của mỗi người mà chủ yếu vì họ đại diện cho hai xu hướng tư tưởng bấy giờ. Không chỉ vấn đề cá tính của các cá nhân, mà là căn tính của dân tộc. Điều ấy, kể từ khi hai người gặp nhau ở Nhật Bản, đã được Phan Châu Trinh thức nhận một cách sâu sắc.
Ông cho rằng, chủ thuyết của Phan Bội Châu trùng khít với tâm thức dân tộc, hơn nữa ông ấy còn có tài văn chương và, quan trọng hơn, được phát ngôn tự do ở nước ngoài, nên dễ chiếm được lòng người hơn. Còn chủ trương của ông thì đi trước dân chúng, trái khoáy với ứng xử truyền thống với kẻ thù, hoàn cảnh nói năng lại chịu nhiều ràng buộc, nên chỉ được một số ít trí thức theo phục. Từ đó, Phan Châu Trinh thấy trước được sự thắng lợi của Phan Bội Châu và sự thất bại tất yếu của mình.
Sở dĩ Phan Châu Trinh dám đi ngược lại chân lý số đông, bởi ông nhìn xa hơn. Trước một thế lực mạnh, vấn đề không chỉ là xem kẻ mạnh đối xử như thế nào, mà quan trọng hơn, xem kẻ yếu đối xử ra sao.
Xin hãy lắng nghe sự phân tích sâu sắc của ông: “Tôi tự biết vì lý do nào mà chủ nghĩa của ông ấy [Phan Bội Châu - ĐLT] được đưa ra thì rất yếu, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của dân nước Nam thì rất mạnh. Chủ nghĩa của tôi [Phan Châu Trinh - ĐLT] lý do đưa ra thì rất mạnh, nhưng nếu áp dụng vào đặc tính của người nước Nam trong tình thế hiện tại thời rất yếu.
Chủ nghĩa của ông ấy rất hợp với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ mạnh mà lợi dụng, mà vì ở hải ngoại nên ngôn luận tự do, dễ có người theo, do đó chủ trương của ông ấy sẽ tất thắng. Chủ nghĩa của tôi tương phản với đặc tính và trình độ của quốc dân, lại nhắm vào chỗ yếu mà cứu và vì ở trong nước nên bị các thứ lực chèn ép và nghi kỵ tập trung vào, các hoạt động và ngôn luận đều không được tự do nên người theo cũng khó, do đó chủ nghĩa của tôi tất bại”.
Đương thời Phan Châu Trinh ít được hiểu. Điểm mấu chốt nhất mà người ta nghi ngờ, phê phán chủ thuyết của ông, đó là sự hợp tác với người Pháp. Theo lẽ phải thông thường, Pháp là kẻ thù của dân tộc, nên muốn cứu dân tộc thì trước hết phải đánh đuổi, đằng này Phan Châu Trinh lại chủ trương hợp tác. Sở dĩ Phan Châu Trinh dám đi ngược lại chân lý số đông, bởi ông nhìn xa hơn. Trước một thế lực mạnh, vấn đề không chỉ là xem kẻ mạnh đối xử như thế nào, mà quan trọng hơn, xem kẻ yếu đối xử ra sao. Ông thấy rằng con đường giải phóng đất nước phải chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, cơ bản là xây dựng nền tự trị (autonomie) /tự lực /tự cường.
Bởi lẽ, cuộc xâm lược của thực dân Pháp không thuần túy là cuộc xâm chiếm lãnh thổ, vậy nên phải trang bị cho dân chúng những phương tiện để họ tham dự vào cuộc tiến hóa toàn cầu: hiện đại hóa. Độc lập, bởi vậy, không phải là đứng một mình, mà là liên lập, tức đứng cùng, đứng với. Đó là con đường xây dựng một nước Việt Nam mới/ Tân Việt Nam. Điều này cho đến gần đây ở Phan Châu Trinh còn bị bưng kín, nên người ta chỉ biết đến ông với những ý tưởng và hành động lẻ tẻ không kết nối vào nhau. Vậy nên người ta không hình dung được Phan Châu Trinh còn là một nhà khai minh cho tư tưởng hiện đại hóa Việt Nam.
Tự trị gồm có hai loại: tự trị như một thể chế, và tự trị như một quá trình. Với Phan Châu Trinh thì tự trị là bước đi đầu tiên nhưng cơ bản để đến với độc lập một cách vững chắc. Tiến trình tự trị hóa của ông trước hết khởi từ cá nhân hóa, rồi mới đến xã hội hóa, tức tự trị hóa tập thể. Điều này đòi hỏi sự tự giác cá nhân chứ không phải do sức ép của tập thể, cộng đồng. Trong trường hợp này tu thân, nguyên lý đầu tiên của giáo dục Nho giáo quả là hết sức đúng đắn trong việc tự trị hóa.
Càng đúng hơn với Phan Châu Trinh, học võ từ nhỏ, cha bị đồng chí Cần Vương giết oan, được mẹ nuôi dạy, nếu không tự lập thì không thể đỗ phó bảng. Rồi đến khi làm quan thì hòa mà không đồng. Và rồi cũng nhanh chóng từ quan, tự tách mình ra khỏi quan trường để tìm một đường đi mới.
Như vậy, trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX, Phan Châu Trinh là kẻ thiểu số, vừa trung thành với những giá trị phổ quát của Nho giáo vừa tin vào các trí thức mới theo Công giáo, những người tiếp thu nền giáo dục phương Tây. Tất cả những điều trên tạo cho Phan Châu Trinh tính tự tin, quyết tâm và thực tiễn, hay nói khác là tính tự trị. Chính sự tự trị hóa khiến mỗi cá nhân sẵn sàng làm chủ vận mệnh của mình. Một nước Việt Nam mới phải bao gồm những cá nhân đã được tự trị hóa như vậy. Đây là cơ sở để hiện đại hóa xã hội, cơ sở cho một thể chế của quyền tự do cá nhân. Hơn nữa, hiện đại hóa còn chứa đựng trong đó một tiềm năng: tính toàn cầu. Mà nhờ đó, Phan Châu Trinh phân biệt được người Pháp nói chung và những người Pháp thực dân để làm cơ sở cho sự hợp tác.
Với dự án tự trị hóa đất nước như đã trình bày ở trên, Phan Châu Trinh không còn là một nhà nho truyền thống nữa. Việc ông chối bỏ nguyên lý thứ nhất trong ngũ luân: quan hệ vua - tôi bằng việc xưng “tôi”, “Trinh tôi” với Khải Định đã nói lên điều đó. Nhưng ông cũng chưa phải là một trí thức Tây học. Chính sự “vừa không phải là..., vừa không phải là ...” này tạo cho ông một tư duy độc lập, một đột phá về tư tưởng.
Sự tồn tại của Phan Châu Trinh như một nhà tư tưởng mở đầu cho hành trình hiện đại hóa của Việt Nam đến nay hình như vẫn chưa được thức nhận, bởi ông và tư tưởng của ông, vẫn còn quá mới mẻ.