Phân công giáo viên dạy môn Công nghệ 6 đang được thực hiện ra sao?
Chỉ có 35 tiết/ năm nhưng mỗi trường thực hiện mỗi cách khác nhau bởi thực tế nhiều trường hiện nay chưa có giáo viên giảng dạy môn Công nghệ 6 đúng nghĩa.
Hiện nay, môn Công nghệ 6, chương trình 2018 được phân bổ 35 tiết/ năm nhưng cách bố trí nội dung kiến thức lại liên quan đến một số bộ môn khác nhau. Vì thế, nhiều trường học hiện nay vẫn lúng túng trong việc bố trí giáo viên giảng dạy môn học này và cũng bố trí giáo viên giảng dạy khác nhau. Trường có giáo viên Công nghệ thì việc bố trí không gặp khó khăn.
Nhưng, những trường chưa có giáo viên thì việc bố trí rất khác nhau. Có trường bố trí giáo viên Ngữ văn dạy cả kiến thức của năm học; có trường bố trí giáo viên Ngữ văn dạy 3 chương đầu, chương 4 phân công cho giáo viên Khoa học tự nhiên; có trường phân công giáo viên Khoa học tự nhiên và Nghệ thuật giảng dạy.
Vì thế, chỉ có 35 tiết/ năm nhưng mỗi trường thực hiện mỗi cách khác nhau bởi thực tế nhiều trường hiện nay chưa có giáo viên giảng dạy môn Công nghệ đúng nghĩa, nhất là Công nghệ lớp 6 nên phải phân công “tay ngang”.
Giáo viên nào đủ chuẩn để dạy môn Công nghệ 6?
Theo hướng dẫn của Thông tư 08/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 02 năm 2021 thì giáo viên dạy Công nghệ cấp trung học cơ sở được được xác định đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuẩn được đào tạo như sau:
“Giáo viên được phân công giảng dạy môn Công nghệ có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên về Công nghệ hoặc Kỹ thuật công nghiệp hoặc Kỹ thuật nông nghiệp hoặc bằng cử nhân trở lên chuyên ngành phù hợp với môn Công nghệ, Kỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật nông nghiệp.
Trường hợp có bằng cử nhân trở lên chuyên ngành phù hợp thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.
Thế nhưng, theo thói quen khi phân công giảng dạy chương trình 2006 ở một số địa phương, môn Công nghệ 6 đang giao cho giáo viên Ngữ văn giảng dạy. Vì thế, khi chuyển sang chương trình 2018 thì vẫn giữ nguyên cách phân công này.
Trong khi, so với chương trình 2006, kiến thức môn Công nghệ 6 của chương trình 2018 đã có nhiều thay đổi, một số kiến thức lạc hậu như may vá, thêu thùa, chế biến thức ăn đã được lược bỏ. Cụ thể, kiến thức Công nghệ lớp 6, chương trình 2018 có 4 chương khác nhau.
Chương I có tên là “Nhà ở”. Trong chương này có các bài: Nhà ở đối với con người; Sử dụng năng lượng trong gia đình; Ngôi nhà thông minh; Ngôi nhà của em; Chương 2 là “Bảo quản và chế biến thực phẩm”. Ở chương này gồm các bài: Thực phẩm và dinh dưỡng; Bảo quản và chế biến thực phẩm trong gia đình ; Món ăn cho bữa cơm gia đình.
Chương 3 là “Trang phục và thời trang”. Ở chương này gồm các bài: Các loại vải thường dùng trong may mặc; Trang phục; Thời trang; Em làm nhà thiết kế thời trang;
Chương 4 là “Đồ điện trong gia đình”. Trong chương này có các bài: Sử dụng đồ dùng điện trong gia đình; An toàn điện trong gia đình; Tiết kiệm trong sử dụng điện.
Như vậy, chương trình mới của môn Công nghệ 6 có nhiều thay đổi, đặc khi có thêm 1 chương về điện nên việc bố trí giáo viên Ngữ văn giảng dạy đã không còn phù hợp nữa. Vì thế, một số trường bố trí giáo viên Ngữ văn dạy đã không còn phù hợp và có phần khiên cưỡng, khó đạt được hiệu quả như mục tiêu mà chương trình đã đặt ra.
Chính vì thế, một số trường đã linh hoạt phân công giáo viên Ngữ văn dạy 3 chương đầu, chương 4 - kiến thức về điện thì giao cho tổ Khoa học tự nhiên đảm nhận. Tuy nhiên, việc một môn học mà có 2 tổ bộ môn giảng dạy gặp những khó khăn nhất định.
Điều này thể hiện rõ qua việc cuối học kỳ II, 2 tổ chuyên môn phải thống nhất nội dung ôn tập, làm đề kiểm tra, chấm bài, nhập điểm và nhận xét cho học sinh. Tuy nhiên, việc thống nhất này không phải bao giờ cũng gặp được thuận lợi.
Trong khi, học kỳ II có 17 tuần thực học thì chương kiến thức về điện được phân bổ 8 tiết, chiếm ½ thời gian học (vì 1 tiết còn lại dành cho kiểm tra cuối kỳ).
Cái khó của việc phân công giáo viên dạy môn Công nghệ 6
Nếu căn cứ vào câu chữ của Thông tư 08/2023 hướng dẫn về việc bố trí giáo viên Công nghệ thì nhiều trường trung học cơ sở hiện nay gặp khó khăn. Bởi lẽ, những năm qua một số trường sư phạm đào tạo môn Công nghệ nhưng chủ yếu là công nghệ kĩ thuật; công nghệ công nghiệp.
Vì thế, có nhiều trường trung học cơ sở hiện nay không có giáo viên Công nghệ đúng nghĩa. Phần nhiều môn Công nghệ 7,8,9 được giao cho giáo viên Sinh học và Vật lí giảng dạy vì nó gần chuyên môn.
Trong khi, môn Công nghệ 6 thuộc chương trình 2006 trước đây thiên về công nghệ phục vụ nên nhiều địa phương, trường học chưa có giáo viên chuyên Công nghệ giao cho giáo viên Ngữ văn giảng dạy. Khi chuyển sang chương trình 2018 thì nội dung kiến thức có những thay đổi nhất định. Vì thế, việc phân công giáo viên cũng gặp những khó khăn nhất định.
Một hiệu trưởng trường trung học phổ thông chia sẻ: “Trường chúng tôi vừa có một giáo viên dạy môn Công nghệ 6 nghỉ hưu. Trước đây, môn Công nghệ 6 giáo cho giáo viên Ngữ văn dạy vì giáo viên này học Văn - Công nghệ. Vì thế, khi giáo viên nghỉ hưu thì trường gặp khó khăn.
Ban giám hiệu trao đổi với tổ trưởng tổ Văn thì cô này nói rằng tất cả giáo viên tổ em chỉ được đào tạo Ngữ văn ở trường đại học, không có ai được đào tạo Công nghệ. Khi trao đổi với tổ Khoa học tự nhiên thì tổ trưởng không muốn nhận vì phải dạy trên 1 khối lớp nữa.
Vì vậy, Ban giám hiệu ngồi lại nghiên cứu kĩ nội dung môn Công nghệ 6 thì thấy sách giáo khoa có 4 chương. Trong đó, chương 1 và chương 4 thì gần với kiến thức vật lí, chương 2 gần với kiến thức sinh học nên 3 chương này giao cho tổ Khoa học tự nhiên đảm nhận.
Riêng chương 3 thì giao cho tổ Nghệ thuật mà trực tiếp là giáo viên Mĩ thuật vì “thời trang” gần với môn Mĩ thuật hơn cả”.
Tìm hiểu một số trường trung học cơ sở hiện nay chưa có giáo viên Công nghệ, chúng tôi thấy việc phân công giảng dạy môn Công nghệ 6 đang rất khác nhau. Phần vì giáo viên nhiều trường trung học cơ sở được đào tạo chuyên ngành này không có; phần vì kiến thức môn học cũng không trọng tâm vào kiến thức môn nào nên đưa về tổ chuyên môn nào họ cũng không muốn nhận.
Vậy nên, Ban giám hiệu nhiều trường học hiện nay cũng phân công theo lối cũ hoặc cũng phải linh hoạt để cân đối giáo viên trong trường nhằm đảo bảo môn học có giáo viên dạy và không để phát sinh chi phí trả tiền thừa giờ.
Khi Bộ triển khai chương trình 2018, trong 3 cấp học phổ thông thì cấp trung học cơ sở trở nên rối rắm và khó khăn nhiều nhất bởi đây là cấp học có nhiều môn học tích hợp hoặc được cộng dồn các phân môn lại với nhau.
Ngoài chuyện môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí; môn Nghệ thuật thì môn Nội dung giáo dục địa phương và môn Công nghệ 6 cũng gây ra những xáo trộn không ít cho các nhà trường.
Bởi lẽ, môn Nội dung giáo dục địa phương có 35 tiết/năm nhưng đang phải phân công giáo viên 6 môn cùng giảng dạy; môn Công nghệ 6 cũng có 35 tiết/ năm nhưng có trường cũng đang phân công 3 giáo viên cùng giảng dạy.
Vì thế, không chỉ nhà trường, tổ chuyên môn rối khi phân công, xếp thời khóa biểu mà ngay cả giáo viên được giảng dạy cũng gặp khó khăn, học sinh cũng chẳng thích thú gì một môn học có 35 tiết/năm mà có mấy giáo viên cùng giảng dạy.