Phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 3 triệu lao động nông thôn được đào tạo

tạo ra giải pháp đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2030, đến nay, ngành nông nghiệp đã triển khai tổ chức thực hiện đào tạo trên 2 triệu lao động nông thôn được học nghề và tiến tới hoàn thành mục tiêu 3 triệu vào năm 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 3 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề (Ảnh minh họa)

Để nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn nói chung và lao động trong nông nghiệp nói riêng, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg về việc triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, với mục tiêu trong 10 năm tổ chức đào tạo được 3 triệu lao động nông thôn học nghề nông nghiệp, sau đào tạo có ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ, đến nay, ngành nông nghiệp đã triển khai tổ chức thực hiện đào tạo được trên 2 triệu lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp (đạt 82% so với kế hoạch đề ra đến năm 2020), tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nâng cao thu nhập đạt trên 90%.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức đào tạo cho lao động trong các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nguyên liệu, có liên kết sản xuất với doanh nghiệp; các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương, sản xuất an toàn, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Định hướng đào tạo được xác định theo tỷ lệ 50% đào tạo cho lao động làm trong vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp; 20% đào tạo cho lao động trong các hợp tác xã, trang trại và 30% đào tạo nhằm an sinh xã hội nông thôn. Kết quả đã chuyển biến cả số lượng và chất lượng trong đào tạo nghề nông nghiệp, chất lượng đào tạo một số nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, hình thành đội ngũ lao động lành nghề. Nông dân sau khi học nghề nông nghiệp đã áp dụng được kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như: Nhiều cơ sở đào tạo nghề còn yếu kém, cơ sở vật chất còn nghèo nàn; Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề của một số đơn vị đào tạo nghề vẫn còn thiếu về số lượng và còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Một số nơi chưa thực hiện tốt việc khảo sát nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề của lao động nông thôn, từ đó chưa phát huy việc đào tạo nghề nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Nhiều nơi chưa xây dựng kế hoạch để đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng đào tạo nghề chưa thường xuyên; Việc đào tạo gắn với các hợp tác xã, doanh nghiệp, đào tạo cho lao động trong vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất công nghệ cao, lao động là xã viên hợp tác xã, trang trại còn đạt thấp…

Để khắc phục những hạn chế tồn đọng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục chỉ đạo, định hướng và chuẩn bị các nội dung, hoạt động cho đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp từ nay đến 2020 và giai đoạn 2021-2030.

Bộ mong muốn các ngành, địa phương, nhà khoa học và các tổ chức quốc tế quan tâm cùng phối hợp triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như: Tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 đào tạo được 3 triệu lao động nông thôn theo nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án 1956.

Trong năm 2020, xây dựng bộ dữ liệu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong bối cảnh Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đang đẩy mạnh Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và triển khai thực hiện các đề án, dự án trọng điểm của ngành giai đoạn 2020-2030.

Xây dựng đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đào tạo nghề, đào tạo chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, giúp nông dân thực sự trở thành người làm chủ trong sản xuất nông nghiệp.

Dành tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu nghề cho các nội dung đào tạo về kỹ năng sử dụng máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, chế biến nông sản, công nghệ 4.0, nghề quản lý trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, kế toán trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việt An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phan-dau-den-nam-2020-se-co-3-trieu-lao-dong-nong-thon-duoc-dao-tao-post66752.html