Phấn đấu đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH
(ABO) Chiều 24-12, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành tại 63 điểm cầu trong cả nước.
Đồng chí Võ Văn Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.
Giai đoạn 2012 - 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, quán triệt Nghị quyết 21 đem lại nhiều kết quả nổi bật.
Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được thực hiện theo quy định của pháp luật. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục tăng qua các năm. Số người tham gia BHYT vượt mục tiêu đề ra. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng, nguồn kinh phí cho công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được đảm bảo.
Cụ thể: Tính đến 31-12-2020, số người tham gia BHXH là 16.188.800 người, đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5.623.300 người so với năm 2012; trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15.064.300 người, BHXH tự nguyện là 1.124.500 người, vượt 1,2% chỉ tiêu được giao. Số người tham gia BHTN là 13,324 triệu người, tăng 5,05 triệu người so với năm 2012 (tăng 61,7%), đạt 27% lực lượng lao động.
Tính đến hết năm 2020 đã có khoảng 88 triệu người tham gia BHYT, chiếm 90,97% dân số. Đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, từ năm 2012 - 2020 tăng gần 29 triệu người, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế. Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn đối với công tác BHYT giai đoạn 2012 - 2020 theo Nghị quyết 21.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, Nghị quyết 21 là chủ trương đúng đắn, đã đi vào cuộc sống và đem lại nhiều kết quả tích cực. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng, từng bước thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa các khu vực trong cả nước.
Trong thời gian tới, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng hơn nữa nhằm đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp với mọi đối tượng; tăng cường các giải pháp, cách thức tuyên truyền BHXH sâu rộng tại cơ sở cho các đối tượng cụ thể, tuyên truyền BHYT cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, nông dân; quan tâm phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, phê phán, xử lý nghiêm vi phạm.
Phấn đấu đến năm 2025, khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHXH, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số. Phấn đấu đến năm 2030, khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.