Phấn đấu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 được thực hiện trong 11 năm (2025 - 2035), phấn đấu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Ngày 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu thực tiễn
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình có 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.
Phạm vi chương trình được thực hiện trên cả nước và tại một số quốc gia có tương tác và quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập.
Các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể được tập trung thực hiện, gồm: Di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa...
Chương trình được thực hiện trong 11 năm (2025 - 2035), với các mục tiêu cụ thể, trong đó phấn đấu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và đóng góp 8% GDP cả nước vào năm 2035.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ cơ bản nhất trí với đề xuất về quy mô, phạm vi, địa điểm thực hiện chương trình.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đắc Vinh lưu ý, mục tiêu của chương trình còn liệt kê dàn trải; nhiều mục tiêu có nội dung tương tự với nhiệm vụ thường xuyên của lĩnh vực văn hóa, có thể trùng lặp với một số chương trình, đề án khác.
Thậm chí, có mục tiêu mang tính hình thức, chưa tạo được những chuyển biến mạnh mẽ và khó đánh giá hiệu quả.
Vì vậy, Ủy ban đề nghị Chính phủ khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng tình hình và nhu cầu thực tiễn để đưa ra các mục tiêu của chương trình bảo đảm gọn, rõ ràng, không trùng lặp, thể hiện được quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và là căn cứ để xác định nhu cầu đầu tư của chương trình.
Ở nhiều nước văn hóa là ngành làm ra rất nhiều tiền
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ thống nhất về sự cần thiết, tính cấp bách và rất quan trọng để trình Quốc hội thông qua chương trình mục tiêu quốc gia này.
Theo ông Định, chương trình mục tiêu quốc gia nên tập trung vào những việc lớn, tầm cỡ, tạo đột phá, những việc cần phải khắc phục mà lâu nay làm không nổi; huy động lực lượng, huy động nguồn lực để làm. Còn những nhiệm vụ thường xuyên của ngành vẫn đầu tư theo phương pháp bình thường.
"Tôi thấy trong này nhiều nội dung quá, sợ nhớ không hết, làm không hết. Cho nên cái gì lọc ra được cho thành nhiệm vụ thường xuyên, làm thường xuyên được thì ta làm; còn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia thì nên chọn những việc trọng điểm, tạo bước đột phá, điểm nhấn", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chương trình này phải dành sự quan tâm rất đặc biệt đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Trên thế giới trong nhiều năm qua công nghiệp văn hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và là xu thế của thời đại, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; văn hóa là ngành làm ra rất nhiều tiền và có giá trị gia tăng rất cao.
"Ta thấy có mấy cô ca sĩ của Hàn Quốc sang đây diễn mấy đêm là bằng một doanh nghiệp của chúng ta làm trong nhiều tháng. Một ca sĩ Hàn Quốc trước đây hát bài Gangnamstyle để quảng bá khắp thế giới về văn hóa. Hay ông Park Hang Seo được vinh danh để kết nối văn hóa Việt - Hàn", ông Nguyễn Khắc Định dẫn chứng và cho rằng Việt Nam cần hết sức chú ý đến việc này.
Đấy chính là công nghiệp văn hóa, là một ngành đem lại lợi nhuận rất lớn mà Nhà nước cũng không phải đầu tư nhiều, lại còn tạo điều kiện cho xã hội phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc "khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh". Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng đề cập đến việc công nghiệp văn hóa là một ngành kinh tế quốc dân.
Ông Định cho rằng, chương trình đề ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030 các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, năm 2035 đóng góp 8% GDP là thấp.
"Nếu như phát triển được công nghiệp văn hóa, ta sẽ tự có nguồn thu từ văn hóa để thúc đẩy phát triển văn hóa, để đầu tư, tôn tạo lại những thứ không sinh ra lợi nhuận", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch chủ trì với các bộ, ngành để trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây.