Phấn đấu đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2025

Năm 2025, Cao Bằng phấn đấu đón trên 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách du lịch nội địa đạt 2,3 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng. Đó là mục tiêu chính trong kế hoạch thực hiện nội dung đột phá về phát triển Du lịch - Dịch vụ bền vững năm 2025 của tỉnh.

Thực hiện mục tiêu phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh và của quốc gia.

Thực hiện mục tiêu phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh và của quốc gia.

Để phát triển Du lịch - Dịch vụ bền vững, đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch, đồng thời tạo bước chuyển biến trong hoạt động du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đưa du lịch Cao Bằng từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về phát triển Du lịch - Dịch vụ bền vững giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung đột phá về phát triển Du lịch - Dịch vụ bền vững năm 2025.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền là các nhóm giải pháp, trong đó, công tác quy hoạch, đầu tư du lịch tập trung triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với điều kiện của địa phương. Quy hoạch 3 di tích quốc gia đặc biệt, xây dựng hạ tầng theo hướng đồng bộ đa chức năng tại 3 di tích quốc gia đặc biệt, các danh thắng quốc gia, các khu, điểm du lịch trọng điểm gắn với bản sắc văn hóa dân tộc và vùng Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; Đề án “Cơ chế chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc” nhằm tạo cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn để thực hiện mục tiêu phát triển Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh và của quốc gia. Tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư theo danh mục các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực du lịch, thương mại, dịch vụ và các dự án đã được phê duyệt; tăng cường thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc của tỉnh. Thực hiện hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tại xóm Đồng Tâm, xã Đồng Loan (Hạ Lang); xóm Nặm Ngùa, xã Ngọc Động (Hà Quảng); điểm tham quan du lịch Đồi cỏ Ba Quáng, xã Vinh Quý (Hạ Lang) và các chương trình, dự án du lịch khác.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch thông qua tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của địa phương, đơn vị; tham gia các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước (nhóm liên kết 8 tỉnh Đông Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm liên kết 6 tỉnh Việt Bắc) và ngoài nước (Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO; Mạng lưới CVĐC toàn cầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc). Tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm du lịch đặc sắc theo các dòng sản phẩm chính, gồm: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng núi; phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ gồm du lịch thể thao (thể thao giải trí, thể thao mạo hiểm), du lịch biên giới (triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc); tăng cường phát triển du lịch biên giới với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc); du lịch lễ hội tâm linh, du lịch đêm (nâng cấp, mở rộng không gian Phố đi bộ Kim Đồng và phố đi bộ ven Sông Bằng (Thành phố). Nâng cao chất lượng dịch vụ, hàng hóa đáp ứng nhu cầu về vận chuyển, mua sắm, giải trí và các nhu cầu khác của du khách. Tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch; tham gia các Hội chợ xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành trên cả nước; phát triển hệ thống các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, đặc sản địa phương (đặc biệt là các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP).

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch; Rà soát, đánh giá kết quả triển khai và tính hiệu quả của ứng dụng “Cao Bang Tourism” trong quảng bá, xúc tiến, giới thiệu tiềm năng du lịch, xây dựng và khai thác dữ liệu du lịch; khai thác và phát huy danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; công tác tái thẩm định danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng lần 2 năm 2025 và bảo vệ danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch, du lịch cộng đồng, về CVĐC nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, cơ bản đáp ứng yêu cầu thị trường. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Thực hiện công tác nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên các tuyến du lịch tại các địa phương. Nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên nền tảng bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc nâng cấp Lễ hội về nguồn Pác Bó lên quy mô cấp tỉnh vào năm 2026 gắn với hoạt động kỷ niệm 85 năm ngày Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/01/1941 - 28/01/2026). Thực hiện có hiệu quả các Đề án, dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh1; đẩy mạnh công tác truyền dạy, giáo dục, phổ biến và tổ chức các hoạt động trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc trong trường học và cụm dân cư.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phan-dau-don-tren-2-5-trieu-luot-khach-du-lich-trong-nam-2025-3176920.html