Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2026 tăng khoảng 10 - 12%

Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2026, phấn đấu dự toán thu nội địa bình quân cả nước tăng khoảng 10 - 12% so với đánh giá ước thực hiện năm 2025.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2026.

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2026

Chỉ thị nêu rõ, năm 2026 là năm diễn ra Đại hội lần thứ XIV của Đảng, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cũng là năm đầu triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, tăng trưởng hai con số ngay từ năm 2026.

Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2026 tăng 10 - 12%. Ảnh minh họa

Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2026 tăng 10 - 12%. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có những thay đổi sâu sắc, phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế tập trung giải quyết các điểm nghẽn, vấn đề nội tại, đồng thời thích ứng hiệu quả hơn với bối cảnh toàn cầu mới.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương) không ngừng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không để lãng phí thời gian và cơ hội. Đồng thời, coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể của mọi chính sách, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để tăng trưởng cả nước năm 2026 đạt hai con số và hoàn thành các mục tiêu đề ra, tạo đà thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2026 được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, thực chất kết quả thực hiện Kế hoạch năm 2025 và dự báo tình hình thế giới, trong nước; phân tích, dự báo, chủ động các phương án, giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số.

Dự toán thu từ xuất nhập khẩu năm 2026 tăng khoảng 5 - 7%

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2026, Chỉ thị nêu rõ, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2026 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời các nguồn thu của ngân sách nhà nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về ngân sách, thuế, phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước.
Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2026 (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước) bình quân cả nước tăng khoảng 10 - 12% so với đánh giá ước thực hiện năm 2025 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách), mức tăng trưởng tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2026 tăng bình quân khoảng 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2025.

Xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2026 đảm bảo các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước (nếu có); đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách gắn với việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.

Về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2026 - 2028, trên cơ sở dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; các Nghị quyết và Kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách, nợ công, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; căn cứ pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, nợ công và quy định của pháp luật có liên quan, định hướng về Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2026 - 2030 quốc gia và địa phương trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định, Bộ Tài chính, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2026 - 2028 và chương trình quản lý nợ 3 năm cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Các bộ, cơ quan Trung ương và các cơ quan, đơn vị dự toán cấp I ở cấp tỉnh lập kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2026 - 2028 thuộc phạm vi quản lý gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phan-dau-du-toan-thu-noi-dia-nam-2026-tang-khoang-10-12-389794.html