Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu sản xuất nông nghiệp năm 2025

Năm 2025, được xác định là thời điểm 'nước rút' để hoàn thành các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời, cũng là thời điểm 'về đích' của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với các ngành, địa phương là hết sức nặng nề. Để phát huy vai trò là trụ đỡ an sinh trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, năm 2025, rất nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm đã được ngành Nông nghiệp đề ra. Đề hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã trao đổi với ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT).

Sản xuất dâu tây theo hướng hữu cơ tại xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên).

Sản xuất dâu tây theo hướng hữu cơ tại xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên).

P.V: Năm 2024 là thời điểm tăng tốc hướng đến mục tiêu hoàn thành kế hoạch cả nhiệm kỳ đại hội 2020-2025. Vậy đâu là nhóm giải pháp trọng tâm mà ngành Nông nghiệp đã triển khai, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Sơn: Sản xuất nông nghiệp năm 2024 được xác định có vai trò rất quan trọng hướng đến hoàn thành kế hoạch cả nhiệm kỳ đại hội 2020-2025. Ngay từ đầu năm, ngành đã triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất. Trong đó, tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại sản phẩm lúa và các cây rau màu; ký hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân; đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học tới bà con nông dân thông qua việc triển khai xây dựng các mô hình sản xuất. Cùng với đó, duy trì và đẩy mạnh quy mô tổ chức sản xuất tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã có nhà đầu tư, tránh lãng phí tài nguyên đất; phát triển và nhân rộng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất như làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) để nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề.

Trong chăn nuôi, tiếp tục đẩy mạnh theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn theo phương pháp công nghiệp. Đồng thời, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Phát triển các loại vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, tập trung chỉ đạo phát triển các đối tượng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; ưu tiên sản xuất con nuôi thủy sản đặc thù...

Do vậy, mặc dù sản xuất nông nghiệp năm 2024 gặp không ít khó khăn do thiên tai, thời tiết, nhưng cơ bản giành thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị. Về giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.596 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 0,63 % so với năm 2023; bằng 98,3% so với kế hoạch năm 2024 đề ra. Sản lượng lương thực đạt 362.801 tấn (lúa 337.490 tấn, ngô 25.311 tấn)... Cả tỉnh có gần 150 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao, còn lại là 3 sao)... Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa đạt trên 95%; tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt 1,9%; tăng 5% và bằng so với chỉ tiêu Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy.

P.V: Những kết quả đã đạt được trong năm 2024 là cơ sở, nền tảng quan trọng để ngành thực hiện nhiệm vụ năm 2025, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Sơn: Đúng vậy! Năm 2025, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành đã đề ra một số mục tiêu. Cụ thể là mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đạt tỷ lệ từ 1,5 – 2% tổng diện tích đất nông nghiệp; tỷ lệ sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ đạt trên 25%, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đạt trên 30%; tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu gieo trồng đạt 60%; bảo quản chế biến đạt 50%...

Cùng với đó ngành đã xây dựng chỉ tiêu phấn đấu thực hiện trong năm 2025 phù hợp, bảo đảm tính hiệu quả và hướng phát triển bền vững. Về giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 8.757 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 1,9 % so với năm 2024; sản lượng lương thực đạt 344.216 tấn (trong đó, lúa 321.859 tấn, ngô 22.357 tấn); thịt hơi xuất chuồng 100.100 tấn (thịt lợn hơi xuất chuồng 72.250 tấn, thịt gia cầm 25.200 tấn, thịt gia súc khác 2.650 tấn); sản lượng thủy sản 25.600 tấn (sản lượng nuôi trồng 25.100 tấn, sản lượng khai thác 500 tấn)... Phấn đấu có ít nhất 20 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng đạt 3 sao trở lên. Ngành đẩy mạnh sản xuất phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

P.V: Năm 2025, được dự báo là một năm có nhiều khó khăn, thách thức sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp. Để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra ngành Nông nghiệp cần phải làm gì, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Sơn: Năm 2025, được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với tình hình thời tiết bất thuận do tác động từ biến đổi khí hậu. Với sản xuất trên đồng ruộng, diện tích gieo cấy lúa trong vụ xuân còn gần 26.155 ha, giảm hơn 1.650 ha so với vụ xuân 2024, kéo theo giảm diện tích cả vụ mùa. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện quyết liệt các chương trình, đề án, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đó, cần thực hiện tốt các giải pháp như tập trung sản xuất hai vụ lúa theo hướng chất lượng hàng hóa; tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, nhất là khâu bảo quản và chế biến sau thu hoạch; duy trì mở rộng sản xuất vụ đông, chú trọng các cây trồng hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, nông nghiệp công nghệ cao...; đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện chương trình OCOP, lựa chọn ý tưởng sản phẩm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng và công nhận mang tính hiệu quả, bền vững.

Trong chăn nuôi, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất theo hướng trang trại, công nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn... Cùng với đó, phát triển thủy sản thâm canh, bán thâm canh tại các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, các vùng có điều kiện thuận lợi để nuôi trồng thủy sản; duy trì, nhân rộng các mô hình nuôi cá “sông trong ao”, nuôi cá lồng trên sông Hồng; phát triển các đối tượng thủy đặc sản.

Một trong những nhiệm vụ được ngành tập trung thực hiện ngay từ đầu năm là tổ chức sắp xếp tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tích cực nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý NN & PTNT trên tất cả các lĩnh vực để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đề ra năm 2025.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Manh Hùng (thực hiện)

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/phan-dau-hoan-thanh-cac-muc-tieu-san-xuat-nong-nghiep-nam-2025-142708.html