Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản tăng mạnh

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt kỷ lục với khoảng 62,5 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2023, cao hơn nhiều so với mục tiêu được giao là 55 tỷ USD. Nổi bật là có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, tôm, cao su.

Vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Vùng trồng sầu riêng xuất khẩu tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Đây cũng là năm Đồng Nai xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt mức tăng trưởng cao, góp phần vào thành quả chung của cả nước. Chỉ tính riêng 11 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Ấn tượng là Đồng Nai có nhiều mặt hàng trái cây có vùng nguyên liệu lớn nhất nước, tham gia tốt vào thị trường xuất khẩu, góp phần vào thành quả chung của cả nước.

Xuất siêu nông sản chiếm 72% tổng xuất siêu cả nước

Kỳ tích trong xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam trong năm 2024 không chỉ ở mức tăng trưởng ấn tưởng, mà còn có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều trong khẳng định vai trò trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Đánh giá cao những thành quả ấn tượng của ngành nông nghiệp đạt được, nhất là xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng so sánh: “Tổng số xuất siêu của cả nước đạt được trong năm 2024 là 25 tỷ USD. Trong đó, xuất siêu nông - lâm - thủy sản đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng xuất siêu của cả nước. Điều này khẳng định sự phát triển của ngành nông nghiệp có vai trò trụ đỡ đối với ngành kinh tế, vừa là nền tảng thiết yếu cho an sinh xã hội và nguồn lực mang lại ngoại tệ cho đất nước”.

Đồng Nai đang đẩy mạnh xây dựng các vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn trái đạt chuẩn xuất khẩu về cả sản lượng và chất lượng. Tỉnh tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến sơ chế, chế biến.

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản chỉ chiếm khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Tuy chỉ có 15% nhưng lại vào túi của người dân, vào nền kinh tế, do nông dân Việt Nam tự sản xuất; còn 85% kia của lĩnh vực công nghiệp thì nguyên liệu đầu vào phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện Việt Nam có đến 20 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết với các nước, đã có 17 hiệp định đi vào thực thi, 3 hiệp định đang đàm phán. Nếu thực hiện cả 20 hiệp định này, Việt Nam sẽ sở hữu thị trường hàng hóa lên tới 6 tỷ người tiêu dùng với tiềm năng thị trường và dư địa xuất khẩu nông - lâm - thủy sản còn rất lớn.

Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Đồng Nai tăng cao

Đóng góp vào thành quả chung của cả nước, Đồng Nai có sự tăng trưởng ấn tượng về xuất khẩu nông - lâm - thủy sản. Tính trong 11 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 3,2 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có mức tăng cao hơn so với mức tăng bình quân của cả nước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh đạt 837 triệu USD, tăng gần 51,3%; hạt điều đạt 456 triệu USD, tăng hơn 45%; cao su đạt gần 69,1 triệu USD, tăng 43%; gỗ và sản phẩm đồ gỗ đạt 1,26 tỷ USD, tăng gần 14,3%...

Trong 7 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, rau quả đạt con số xuất khẩu ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt 7,2 tỷ USD, tăng hơn 27% so với năm 2023. Trong đó, rau quả xuất siêu khoảng 4,5 tỷ USD.

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình đánh giá, rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện nước ta đã xuất khẩu đến hơn 60 thị trường trên thế giới. Thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng ấn tượng. Cụ thể, Việt Nam từ vị trí thứ 3 đã lên thứ 2 thế giới về xuất khẩu mặt hàng rau quả sang Trung Quốc, thị trường rau quả lớn nhất thế giới; xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng trưởng hơn 30%, sang Thái Lan tăng hơn 80%. Trong đó, các sản phẩm chủ lực xuất khẩu gồm xoài, chuối, sầu riêng…

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Đồng Nai đạt 573,2 triệu USD, chỉ tăng 12%. Mức tăng trưởng này còn khá khiêm tốn so với mức tăng bình quân của cả nước là hơn 27%. Tuy nhiên, tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây tươi của Đồng Nai còn rất lớn. Hiện Đồng Nai có một số sản phẩm trái cây tươi có quy mô, năng suất thuộc tốp đầu cả nước. Cụ thể, Đồng Nai đang đứng đầu cả nước về diện tích chuối với 16,9 ngàn hécta, sản lượng 270 ngàn tấn/năm; bưởi có 10,3 ngàn hécta, sản lượng 87 ngàn tấn/năm; sầu riêng gần 12,7 ngàn hécta, sản lượng 81 ngàn tấn/năm...

Cả nước hiện có hơn 8.052 mã số vùng trồng và có 1.596 cơ sở đóng gói xuất khẩu. Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu và cơ sở đóng gói khi đến nay, toàn tỉnh có 189 mã số vùng trồng và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số để phục vụ xuất khẩu, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand…

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202501/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-tang-manh-c576587/