Phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu ngân sách nhà nước
Đến nay, cơ quan thuế cả nước đã tiếp nhận, thẩm định 132.190 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với tổng số tiền gia hạn gần 37.070 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ người nộp thuế (NNT) trong bối cảnh nền kinh tế-xã hội đang hồi phục sau dịch Covid-19. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh về các giải pháp thực hiện thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020.
Phóng viên (PV): Tình hình thu NSNN do ngành thuế quản lý từ đầu năm đến nay đạt kết quả thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Minh: Kết quả thực hiện thu NSNN lũy kế 5 tháng đầu năm 2020 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 500.017 tỷ đồng, bằng 39,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể: Thu từ dầu thô ước đạt 19.848 tỷ đồng, bằng 82,2% so với cùng kỳ năm 2019; thu nội địa ước đạt 480.168 tỷ đồng, bằng 98,4% so với cùng kỳ năm 2019. Về tổng thể, thu 5 tháng vẫn xấp xỉ bằng mức thực hiện năm 2019 là do một số khoản có nguồn phát sinh kinh tế của năm 2019 nhưng kê khai, nộp thuế trong những tháng đầu năm 2020 theo quy định, như: Thu từ dầu thô đạt 56,4% dự toán; cổ tức, lợi nhuận còn lại đạt 55,2%; thu chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 101,9% dự toán; thu xổ số kiến thiết đạt 59,4% dự toán. Nếu loại trừ các khoản thu trên, thu nội địa lũy kế 5 tháng mới đạt được 36,3%, là kết quả thu thấp nhất trong nhiều năm qua cả về tiến độ và tốc độ.
PV: Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) và cá nhân bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, dẫn tới giảm nguồn nộp thuế. Ngành thuế đã tiến hành các biện pháp gì để bảo đảm nguồn thu thuế?
Ông Đặng Ngọc Minh: Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế triển khai dự toán thu ngân sách năm 2020, trong đó yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố tập trung triển khai đầy đủ các giải pháp nêu tại Thông tư số 88/2019/TT-BTC ngày 24-12-2019 của Bộ Tài chính. Giao nhiệm vụ phấn đấu thu NSNN cho các cục thuế làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện, trong đó giao nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 đối với hộ gia đình và cá nhân kinh doanh; giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra DN, nhiệm vụ quản lý thu nợ thuế năm 2020 cho cục thuế tỉnh, thành phố. Tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp công tác quản lý thu, tập trung rà soát toàn bộ số DN đăng ký kinh doanh để đưa vào quản lý thuế, kiểm tra toàn bộ số NNT báo ngừng hoạt động; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng bảo đảm hoàn thuế đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý hóa đơn bán hàng nhằm quản lý chặt chẽ số thu của NSNN động viên kịp thời nguồn lực cho ngân sách.
PV: Công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế được tiến hành ra sao?
Ông Đặng Ngọc Minh: Tính đến hết tháng 5, toàn ngành thuế đã thực hiện được 18.638 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 20,16% kế hoạch năm 2020 và bằng 82,06% so với cùng kỳ năm 2019; kiểm tra được 202.767 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 23.365,73 tỷ đồng bằng 172,62% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 9.133,27 tỷ đồng, bằng 225,78% so với cùng kỳ năm 2019; giảm khấu trừ là 443,06 tỷ đồng, bằng 66,08% so với cùng kỳ năm 2019; giảm lỗ là 13.789,41 tỷ đồng, bằng 156,33% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 3.976,45 tỷ đồng, đạt 43,54% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra. Về công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, trong 5 tháng đầu năm 2020, cơ quan thuế các cấp đã thu hồi được 12.378 tỷ đồng, bằng 29,5% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm 31-12-2019, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ là 8.262 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 4.116 tỷ đồng.
PV: Từ nay đến cuối năm, ngành thuế sẽ triển khai những hoạt động gì để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN mà Bộ Tài chính giao trong năm 2020?
Ông Đặng Ngọc Minh: Thu NSNN phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế. Kinh tế quý I tăng 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Nhiều ngành có đóng góp lớn cho NSNN bị ảnh hưởng nặng cần có thời gian và điều kiện để hồi phục lại. Để tạo nguồn thu cho NSNN bù đắp thiệt hại do tác động của dịch bệnh gây ra, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm sau: Thực hiện rà soát toàn bộ NNT trên địa bàn bị ảnh hưởng của dịch bệnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sức khỏe DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh của NNT thuộc phạm vi ảnh hưởng của dịch bệnh; tổ chức đánh giá, xác định cụ thể mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra đến từng ngành, lĩnh vực, từng NNT, tổng hợp mức độ ảnh hưởng đến thu ngân sách. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ và đôn đốc các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế. Tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế; không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế. Rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu NSNN do dịch bệnh Covid-19 gây ra như: Thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản... Tăng cường quản lý đối với các đối tượng được hưởng lợi trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra do tăng trưởng sản xuất hoặc thay đổi hành vi tiêu dùng, như: Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, dịch vụ viễn thông, internet…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!