Phấn đấu năm 2020, ngành giáo dục Thanh Hóa nằm trong tốp 20 của cả nước về kết quả thi THPT quốc gia
Chiều 7-10, Thường trực UBND tỉnh đã có buổi làm việc với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) về sự nghiệp phát triển GD&ĐT, nghe giải trình về chất lượng giáo dục đại trà THPT của tỉnh năm 2018 và 2019. Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Đăng Quyền, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành cấp tỉnh; các phòng, ban chuyên môn của Sở GD&ĐT, lãnh đạo Trường Đại học Hồng Đức, các trường THPT trong tỉnh.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, năm 2019, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia của học sinh THPT trong tỉnh cao hơn năm 2018, nhưng cả 2 năm đều thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong đó, năm 2018, điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia của Thanh Hóa đạt 4,76 điểm, năm 2019, đạt 5,10 điểm. Trong các môn dự thi, môn Ngữ văn có điểm bình quân cao hơn mức bình quân chung của cả nước (năm 2018, Thanh Hóa đạt 5,63 điểm, cả nước đạt 5,45 điểm; năm 2019, Thanh Hóa đạt 5,61 điểm, cả nước đạt 5,49); môn Địa lý và Giáo dục công dân có điểm trung bình tương đương mức bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, các môn Toán, tiếng Anh, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học đều thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, đặc biệt là môn tiếng Anh, Lịch sử và Sinh học rất thấp. Năm 2018, môn tiếng Anh của tỉnh đạt điểm trung bình 3,29 điểm, cả nước đạt 3,9 điểm. Cũng ở môn thi này năm 2019, Thanh Hóa đạt 3,51 điểm, cả nước đạt 4,36 điểm. Về kết quả xét tốt nghiệp THPT, năm 2019, tỷ lệ học sinh THPT toàn tỉnh đỗ tốt nghiệp đạt 92,39%, giảm 5,07% so với năm 2018 (năm 2018 đạt 97,46%). Trong đó, khối THPT giảm 3,5%, khối giáo dục thường xuyên giảm đến 33,42%...
Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT giải trình về thực trạng chất lượng giáo dục đại trà THPT.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích đánh giá nhiều nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút một số chỉ tiêu trong kỳ thi THPT quốc gia, như: Chất lượng giáo dục giữa khu vực miền núi và miền xuôi vẫn còn khoảng cách nhất định; việc xét tốt nghiệp THPT năm nay dựa trên kết quả học tập lớp 12 và kết quả thi THPT quốc gia theo tỷ lệ 30:70 đã ảnh hưởng lớn đến đối tượng HS có học lực yếu, chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp… dẫn đến tình trạng học lệch, học tủ. Đội ngũ giáo viên vẫn thừa, thiếu cục bộ; chất lượng đầu vào của một số trường, đặc biệt là trường khu vực miền núi còn thấp. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học vẫn gặp khó khăn. Vấn đề giải thể các trường THPT cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng. Bên cạnh đó, công tác quản lý dạy, học chưa đồng bộ giữa các nhà trường; việc quản lý đánh giá kết quả học tập của học sinh chưa chặt chẽ, chưa thực sự khách quan...
Đại diện lãnh đạo Trường THPT Quảng Xương 2 phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, cùng với sự nỗ lực của ngành giáo dục, tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng như các nhà trường đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, thực hiện đầy đủ, kịp thời các điều kiện, cơ chế chính sách tạo điều kiện cho giáo dục tỉnh nhà phát triển, như: Tăng mức kinh phí chi thường xuyên cho các nhà trường; bố trí tuyển dụng đủ giáo viên ở các bậc học; tăng nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất trường học...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh thêm những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục đại trà THPT của tỉnh thấp, như: Kết quả đào tạo ở bậc tiểu học và THCS chưa cao dẫn đến đầu vào các trường THPT ở mức thấp. Tình trạng thừa thiếu giáo viên chưa được giải quyết, công tác quản lý của trường, của ngành, cơ sở vật chất còn hạn chế. Sự quyết tâm, quyết liệt của đội ngũ nhà giáo, các nhà trường chưa cao... Đồng chí đề nghị ngành giáo dục phải có quyết tâm mới, mục tiêu mới để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng thi THPT nói riêng. Đặt mục tiêu phấn đấu năm 2020, ngành giáo dục Thanh Hóa phải có kết quả thi THPT quốc gia nằm trong tốp 20 của cả nước.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng phát biểu kết luận buổi làm việc.
Để đạt mục tiêu trên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành giáo dục quan tâm khắc phục yếu kém đầu vào ở các trường THPT. Tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án nâng cao chất lượng giáo dục miền núi; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý, bảo đảm định mức giáo viên/lớp theo quy định. Tâp trung triển khai tốt Đề án “Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các đơn vị GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”. Trong đó, thực hiện cương quyết việc đào tạo, đào tạo lại đối với mỗi giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nâng cao trách nhiệm đối người đứng đầu các đơn vị trường học, từ cấp tiểu học, THCS đến THPT. Nghiên cứu tăng thêm các môn thi đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở GD&ĐT sớm ban hành đề án phát triển các trường tư thục, đây là xu hướng tốt, góp phần phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Tăng cường quản lý ngành để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, chống học lệch trong mỗi học sinh. Chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh về lới ích, hiệu quả của giáo dục toàn diện. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc dạy học ở tất các môn học trong nhà trường. Đồng chí yêu cầu Sở GD&ĐT rà soát lại việc xây dựng cơ sở vật chất cho trường học, đặc biệt là các trường xây dựng chuẩn, trường thuộc vùng khó khăn, qua đó, đề xuất UBND tỉnh tăng cường nguồn kinh phí đầu tư cho các trường THPT. Cùng với đó, tăng cường quản lý chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Xây dựng tiêu chí cụ thể về đánh giá mức độ hoàn thành ở các nhà trường trên tất cả các mặt và giao chỉ tiêu cho các nhà trường thực hiện. Đồng thời, thực hiện tốt tác thi đua giữa các trường, trong nội bộ từng trường để nâng cao chất lượng GD&ĐT.