Phấn đấu năm 2025, du lịch đóng góp trực tiếp 8%-9% trong GDP

Ngày 13.6.2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành tham quan cột mốc 118 tại Cửa khẩu quốc tế Xa Mát.

Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành tham quan cột mốc 118 tại Cửa khẩu quốc tế Xa Mát.

Quy hoạch xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8%-9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13% -15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4%-5%/năm.

Năm 2025, du lịch đóng góp trực tiếp 8%-9% trong GDP; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13%-14% GDP; tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp. Đến năm 2030, du lịch góp phần tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp.

Tầm nhìn đến năm 2045, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế; điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương; phấn đấu đón 70 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 tỷ đồng; đóng góp 17%-18% trong GDP.

Khu du lịch Sun World Ba Den Moutain (Ảnh: Tâm Giang).

Khu du lịch Sun World Ba Den Moutain (Ảnh: Tâm Giang).

Quy hoạch phát triển không gian du lịch Việt Nam gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các Khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.

Theo Quy hoạch, vùng Đông Nam Bộ được định hướng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, các đô thị, tài nguyên du lịch biển đảo. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng của vùng: du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE), du lịch đô thị gắn với công nghiệp văn hóa và kinh tế ban đêm, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo.

Tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo cụm: Đồng Nai - Bình Dương; Bình Phước - Tây Ninh; Bà Rịa - Vũng Tàu. Liên kết với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung theo hành lang du lịch Bắc - Nam phía Đông và phía Tây; với Campuchia theo hành lang du lịch Đông - Tây phía Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 3 cực tăng trưởng du lịch chủ đạo gắn với các cực tăng trưởng quốc gia, đóng vai trò dẫn dắt du lịch toàn bộ vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải phía Nam của của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Đối với định hướng phát triển hệ thống các khu du lịch quốc gia, Quy hoạch xác định ưu tiên đầu tư đồng bộ và nâng cao chất lượng các khu du lịch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền công nhận; quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Du khách tham quan tại Nhà trưng bày Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên).

Du khách tham quan tại Nhà trưng bày Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên).

Trong danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia ban hành kèm theo Quyết định 509/QĐ-TTg có núi Bà Đen của tỉnh Tây Ninh và đây cũng là một trong những chương trình dự án ưu tiên đầu tư nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2030.

Như vậy, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở để tỉnh triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới.

Tỉnh Tây Ninh cũng đã xác định du lịch là một trong những đột phá để phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, chọn Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen là trọng tâm đầu tư, tạo động lực lan tỏa cho du lịch của tỉnh.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, ngành du lịch đóng góp trên 10% GRDP; định hướng phát triển du lịch gắn với khẩu hiệu “Tây Ninh xanh”, đưa Tây Ninh trở thành điểm đến trong khu vực Đông Nam Bộ với các hoạt động du lịch chất lượng cao, gắn liền với không gian thiên nhiên, sinh thái, các hoạt động làm mới tinh thần, tâm linh cho khách tham quan.

Trong những năm qua, tỉnh cũng đã mời gọi một số nhà đầu tư chiến lược đầu tư một số dự án lớn đầu tư Khu hỗn hợp trung tâm thương mại, nhà phố, khách sạn 5 sao Melia Vinpearl Tây Ninh, hệ thống các tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen và các công trình phụ trợ… Các sản phẩm dịch vụ, du lịch của tỉnh được cải thiện về số lượng và chất lượng, lượng khách tham quan tại các điểm du lịch ngày càng nhiều.

Trong những năm gần đây, du lịch Tây Ninh có nhiều khởi sắc. Riêng năm 2023, Tây Ninh đón gần 5,1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch gần 2.000 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, khách tham quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 3,1 triệu lượt, tổng doanh thu du lịch ước đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ.

Tuệ Lâm

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/phan-dau-nam-2025-du-lich-dong-gop-truc-tiep-8-9-trong-gdp-a174201.html