Phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi

Phát biểu kết luận phiên họp sáng nay, 2.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bối cảnh thế giới và kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu chi ngân sách nhà nước, tuy nhiên việc quản lý, điều hành ngân sách có nhiều kết quả tích cực, công tác quản lý nợ công có nhiều tiến bộ.

Bảo đảm vốn đầu tư công năm 2024 tăng hoặc bằng kế hoạch năm 2023

Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch Tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc thực hiện vốn đầu tư công còn bộc lộ nhiều hạn chế, như công tác lập kế hoạch chưa sát; một số cơ quan, địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn nên tình trạng đề xuất trả lại vốn vẫn còn; nhiều dự án do lập, thẩm định, phê duyệt kéo dài, chưa sát thực tiễn nên phải điều chỉnh nhiều lần. Còn 6,5% kế hoạch vốn chưa được phân bổ, tương đương 45.639 tỷ đồng đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch vốn và tiến độ giải ngân; tiến độ thi công nhiều dự án chưa bảo đảm, một số dự án, chương trình giải ngân đạt tỉ lệ còn thấp (dưới 50%).

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần phải có biện pháp cụ thể và nỗ lực quyết tâm hơn nữa. Về dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2024, tổng vốn đầu tư công theo nhu cầu lớn, nhưng dự kiến kế hoạch đáp ứng được trên 88% nhu cầu tổng vốn đầu tư công năm 2024, thấp hơn kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 khoảng 34.336 tỷ đồng, trong khi tổng thu ngân sách tăng. Do vậy, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, cân nhắc bảo đảm vốn đầu tư công năm 2024 tăng hoặc bằng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 nhằm tăng vốn đầu tư công, hỗ trợ cho sự phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chung nhận định tình hình giải ngân vốn đầu tư công còn gặp khó khăn khi có nhiều yếu tố tác động dẫn tới giá nhiên liệu, nguyên liệu tăng cao, một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công và các luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Không để xảy ra tình trạng nợ đọng đầu tư

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách nhà nước, tài chính quốc gia, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm nguồn lực ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu cũng thống nhất năm 2023, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bối cảnh thế giới và kinh tế - xã hội trong cả nước gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước có nhiều kết quả tích cực, thu ngân sách nhà nước năm 2021, 2022 rất cao so với dự toán và năm 2023 dự kiến đạt dự toán. Nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thuế được thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, hồi phục sản xuất; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu tăng dần; cơ cấu chi tiếp tục dịch chuyển tích cực; các nhiệm vụ chi cho an sinh xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng cơ bản được bảo đảm; công tác quản lý nợ công có nhiều tiến bộ...

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Để hoàn thành các nhiệm vụ thu chi ngân sách năm 2023 và dự toán năm 2024 cũng như kế hoạch 5 năm, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến về hoàn thiện thể chế thu, chi ngân sách; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước; không để xảy ra tình trạng nợ đọng đầu tư.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu để đưa vào các nội dung quan trọng, cần thiết trong các Nghị quyết của Quốc hội, gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Thụy Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/phan-dau-tang-thu-triet-de-tiet-kiem-chi-i348474/